Ông Long "cam sành"

02:08, 07/08/2018

Ông Nguyễn Văn Trạng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hựu Thành (Trà Ôn) nói rất quả quyết: "Ông này đất ít nhưng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích so với người khác thì vượt xa. Cạnh đó lại còn rất nhiệt tình hướng dẫn người trồng xung quanh làm theo cách của mình nên nhiều người đã phát tài nhanh chóng". 

Ông Nguyễn Văn Trạng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hựu Thành (Trà Ôn) nói rất quả quyết: “Ông này đất ít nhưng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích so với người khác thì vượt xa. Cạnh đó lại còn rất nhiệt tình hướng dẫn người trồng xung quanh làm theo cách của mình nên nhiều người đã phát tài nhanh chóng”.

Người mà ông Trạng nhắc đến với sự ngưỡng mộ là ông Nguyễn Tấn Long (46 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Sơn, xã Hựu Thành).

Vườn cam sành của ông Long hiện nay.
Vườn cam sành của ông Long hiện nay.

Xuất thân là thợ sửa chữa cơ khí chuyên đóng các loại thùng suốt lúa và các thiết bị khác nhưng cuộc sống không phát triển.

Từ năm 2013, ông Long đã bắt đầu chuyển đổi 6.000m2 đất lúa sang trồng cam sành chất lượng cao vốn là thế mạnh của huyện Trà Ôn từ bao đời nay.

Từ suy nghĩ trên, ông Long đã cất công lặn lội đi tìm hiểu kinh nghiệm trồng cam ở nhiều nơi. Cạnh đó, ông còn đến Trường ĐH Cần Thơ; Viện Cây ăn quả Miền Nam để nhờ tư vấn kỹ thuật kết hợp với một số tư liệu khác.

Ông Long cho biết: “Nếu như người khác trồng thì sau 2 năm mới bắt đầu cho trái “chiếng” nhưng với cách làm của tôi thì chỉ sau 17 tháng là tôi đã thu hoạch lứa đầu tiên.

Trúng quá chừng luôn. Loại trái cây này tuy dễ nhưng mà khó. Điều quan trọng là phải biết đất của mình đang cần gì, cách chăm sóc, bón phân thế nào là hợp lý và không nên khai thác quá sản lượng của cây trong thời gian ngắn vì tính già ra non, cây suy kiệt rất nhanh chóng và không thể hồi phục”.

Ông kể thêm, năm 2014 với năng suất 5 tấn/công, giá bán lúc này là 35.000 đ/kg, trừ tất cả chi phí đầu tư ông còn lời trên 700.000.000 đồng.

Ông Nguyễn Tấn Long và vườn cam phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Tấn Long và vườn cam phát triển rất tốt.

Năm 2015, ông thu lời xấp xỉ 1 tỷ đồng do sản lượng tăng cao. Từ năm 2016 đến nay, tuy giá bán dao động chỉ từ 15.000- 20.000 đ/kg nhưng bù lại sản lượng tăng thêm khoảng 2 tấn/công nên cũng đã giúp ông duy trì nguồn lời mỗi năm từ 500- 600 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của bản thân, ông cho biết: Cần phân bố tỷ lệ phân bón giữa hữu cơ và vô cơ một cách hợp lý.

Cụ thể ông sử dụng phân hữu cơ 80% gồm phân gà, phân bò khô, phân dơi; 20% còn lại là phân vô cơ trộn với các loại nấm giúp cây phát triển tốt.

Cạnh đó, khi trồng tránh trồng quá nhặt cây sẽ mau “suy” thường chỉ phát triển tốt từ 3- 5 năm, còn vườn cam sành của ông dự báo sẽ thu hoạch ổn định từ 10- 15 năm.

Không chỉ vậy, ông Long còn trồng xen kẽ giữa những cây cam sành là các cây bạch đàn với công dụng tạo bóng mát cho cây; giúp cây không bị gió mạnh làm gãy đổ; tránh tình trạng trái cam bị đốm sáng do ánh nắng rọi vào giúp vỏ cam sáng bóng tự nhiên, đẹp, bắt mắt.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao thương lái thường mua cam sành của ông Long cao hơn từ 1.000- 2.000 đ/kg so với những nhà vườn xung quanh.

Để không rơi vào tình trạng “dội chợ”, ông Nguyễn Tấn Long chọn phương án cho trái rải vụ. Mỗi năm, ông thu hoạch trái khoảng 5 đợt luân phiên nhau. Cạnh đó, ông còn chủ động nguồn nước tưới không để khô hạn hay ngập úng.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hựu Thành- khoe: “Ông nông dân này đã nhiều năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long. Tới đây, sẽ đề nghị về trên công nhận danh hiệu giỏi cấp toàn quốc”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh