Ngày 18/8/2018, Bộ Nông nghiệp- PTNT hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh- thành triển khai Nghị định 98 về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yêu cầu cần thiết của ngành nông nghiệp hiện nay để tránh “điệp khúc” được mùa- mất giá. |
Ngày 18/8/2018, Bộ Nông nghiệp- PTNT hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh- thành triển khai Nghị định 98 về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.
“Chơi vơi” sản xuất không liên kết
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp- PTNT, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với thời điểm cuối năm 2017 tăng 17 liên hiệp, 908 HTX.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã thành lập mới 1.143 HTX nông nghiệp (tốc độ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017).
Qua phân loại 9.266 HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 HTX), 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX), 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX)...
Theo ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, sức sản xuất nông nghiệp của nước ta rất lớn nhưng rất lệ thuộc thị trường và thường rất bấp bênh.
Bên cạnh đó, chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, hầu hết nông sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô hoặc trong phân khúc chế biến chuỗi giá trị thì rất ngắn. Trong đó nguyên nhân bản chất là khâu liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến, làm thị trường rất rời rạc, thiếu nhân tố HTX dẫn đến nông dân chơi vơi, doanh nghiệp cũng chơi vơi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 2 năm qua tăng bước vượt bậc từ 3.600 lên gần 8.000 doanh nghiệp, nhưng số này không thể “với” tới hết 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, tổ chức chế biến, phát triển thị trường thông qua HTX, doanh nghiệp là hạt nhân.
Một bài học đã được chỉ ra là để hoạt động hiệu quả thực sự, các HTX nhất định phải gắn với chuỗi giá trị. Việc xây dựng các HTX hiệu quả là một đòi hỏi bức thiết.
Chính vì vậy, Nghị quyết 32 của Quốc hội yêu cầu đến năm 2020 có ít nhất 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, làm nhân tố liên kết với nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để cơ cấu lại nông nghiệp, PTNT mới. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp- PTNT, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX Việt Nam chuẩn bị đề án, kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai
Ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển kinh tế tập thể tỉnh- nhấn mạnh cần nhìn gốc vấn đề của kinh tế tập thể hiện nay đang thiếu và yếu cái gì để đổi mới cách quản lý, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển hiệu quả hơn. “HTX thành lập mới phải chín muồi mới thành lập, còn để đủ tiêu chí công nhận nông thôn mới mà thành lập thì không nên, vì HTX “đẻ non” sẽ giải thể sớm và “chết yểu”- ông Trương Văn Sáu nhấn mạnh. |
Phát triển 15.000 HTX kiểu mới đúng nghĩa
Trước thực trạng liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến và thị trường cho nông sản còn rất rời rạc, nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa Quyết định 461 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển được 15.000 HTX kiểu mới đúng nghĩa.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trước đây kinh tế hộ đã có một thời kỳ “vàng son” và giúp cho nông nghiệp phát triển vượt bậc, nhưng bây giờ sức sống của kinh tế hộ cần có mô hình theo kiểu mới là mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới.
Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, nông dân sẽ chịu thiệt.
“Thành lập HTX là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết HTX với nông dân, các nhà khoa học- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mục tiêu đặt ra không chỉ là vấn đề số lượng mà nhấn mạnh đến chất lượng, để có 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả phải phấn đấu rất gian khổ.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” cùng một loạt chính sách thúc đẩy nhằm đạt được mục tiêu này. |
Lấy ví dụ từ phát triển HTX của Hà Giang và Trà Vinh, ông yêu cầu phải khắc phục chuyện buông lỏng, bởi kinh nghiệm ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó có phong trào tốt. Phải tránh chuyện thành tích, khắc phục tình trạng đưa vào cho đủ chỉ tiêu phát triển HTX để xét công nhận nông thôn mới.
“Vấn đề không phải là có hay không mà hoạt động hiệu quả thế nào, dứt khoát không để chạy theo bệnh hình thức, phải thực chất”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói
Vĩnh Long hiện có 63 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 47 HTX đang hoạt động, ngừng hoạt động 6 HTX và chưa hoạt động 10 HTX. Một số HTX sản xuất và tiêu thụ các nông sản chủ lực của địa phương như cam sành, sầu riêng, thanh long, xoài… bước đầu đã liên kết với doanh nghiệp trong khâu đầu tư đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm; một số tham gia các sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ổn định và phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ kinh tế tập thể, còn nhiều HTX chỉ thực hiện khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nên HTX không có doanh thu, trình độ của hội đồng quản trị chưa đáp ứng nhu cầu điều hành HTX… Khó khăn hiện nay của các HTX nông nghiệp là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, nhu cầu vốn đầu tư sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ HTX. |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin