Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cho thấy đã có dấu hiệu tích cực và đạt những kết quả nhất định.
Ông Lê Quang Trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đồng thời nhấn mạnh các NHTM cũng cần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. |
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cho thấy đã có dấu hiệu tích cực và đạt những kết quả nhất định.
Chủ động xử lý nợ xấu
Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, việc triển khai Nghị quyết 42 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN rất kịp thời và cụ thể đến các đối tượng thực hiện. Một số ngành đã chủ động triển khai thực hiện và áp dụng theo quy định của Nghị quyết 42 và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo đó, giúp các TCTD chủ động hơn, các cơ quan có liên quan quan tâm phối hợp trong việc xử lý nợ xấu. Khách hàng có ý thức hơn trong việc hợp tác với các ngân hàng trong xử lý nợ xấu.
Nghị quyết 42 cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.
Quy trình này giúp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu nhanh hơn. Một số ngành như cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, cục thuế… đã có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết 42 hỗ trợ tích cực cho các TCTD xử lý nhanh nợ xấu trong thời gian tới.
Tuy kết quả trực tiếp xử lý từ các quy định của Nghị quyết 42 chưa nhiều nhưng theo NHNN tỉnh, đây là một động thái, chất xúc tác để cho các TCTD xử lý nợ xấu thuận lợi hơn nên việc thu hồi bằng hình thức trả nợ, bán tài sản bảo đảm của khách hàng đạt khá cao (chiếm 62,3% tổng số nợ xấu đã xử lý được).
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh cho biết thực hiện Nghị quyết 42 đã hỗ trợ việc xử lý nợ xấu của các TCTD có dấu hiệu tích cực. Trên địa bàn tỉnh, các TCTD chưa thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng trong xử lý nợ xấu và đánh giá khá cao vai trò phối hợp của các cơ quan liên quan.
“Việc thực hiện Nghị Quyết 42 các cơ quan liên quan vào cuộc hỗ trợ NHTM rất tích cực. Đối với tòa án xử lý tiến độ rất nhanh, đảm bảo thời gian. Cơ quan thi hành án dân dự các cấp thực hiện nhanh, đảm bảo quy trình tránh trường hợp tẩu tán tài sản, hạn chế thất thoát trong quá trình xử lý nợ xấu”- giám đốc một NHTM cho biết.
Vẫn nhiều khó khăn, vướng mắc
NHNN chi nhánh Vĩnh Long cho biết,việc thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, việc tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo cũng khó do các TCTD đang gặp khó trong việc bổ sung nội dung thỏa thuận với khách hàng về việc đồng ý cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản của các khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm đối với các hợp đồng thế chấp ký kết trước đây. Khó xác định thế nào là tài sản không tranh chấp.
Bên cạnh, UBND các huyện- thị- thành chưa có văn bản chỉ đạo các xã- phường trong việc phối hợp các TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản. Một số khách hàng không hợp tác trong xử lý nợ xấu, rời khỏi địa phương…
Trong khi đó, kết quả nợ xấu theo Nghị quyết 42 lại tăng, do một số khoản cho vay có khả năng rủi ro được chuyển sang nợ xấu tại một số NHTM.
Cũng theo NHNN tỉnh, tuy thời gian qua các cấp tòa án, cơ quan thi hành án dân sự đã hỗ trợ tích cực cho ngành ngân hàng nhưng việc xét xử, thi hành án các vụ việc liên quan đến ngân hành ở một số hồ sơ còn chậm, kéo dài.
Trong khi, một số TCTD chưa quyết liệt trong việc rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, phối hợp với các cơ quan có liên quan và áp dụng các quy định của Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu.
Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho rằng Nghị quyết 42 của Quốc hội là ưu tiêu xử lý nợ xấu để góp phần giúp cho hoạt động ngành ngân hàng tốt và nền kinh tế ổn định.
Vì vậy, các NHTM bên cạnh việc tăng cường các giải pháp quyết liệt chủ động tích cực xử lý nợ xấu, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngành ngân hàng, hạn chế thất thoát tài sản, con người; cũng phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, các cơ quan có liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp, đề xuất những giải pháp hiệu quả, cần rà soát khó khăn trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý nợ xấu cần tháo gỡ.
Chi nhánh NHNN tỉnh nâng cao vai trò trách nhiệm phối hợp với đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện Nghị quyết 42, tham mưu, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết trình Thống đốc NHNN và UBND tỉnh xem xét xử lý.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin