Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục lan tỏa và trở thành động lực để các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương…
Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục lan tỏa và trở thành động lực để các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương…
Ấp An Thạnh B giờ đã khởi sắc. |
Hiệu quả từ việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ
Sáng cuối tuần, chúng tôi đến nhà chị Phạm Kim Thoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thành (TX Bình Minh). Tuy còn khá sớm nhưng đã có khá đông chị em đến đây học đan thảm, đan giỏ lục bình.
Khéo léo hướng dẫn chị em cách xe dây cho đều, cách xỏ dây, giấu mối để cho ra sản phẩm đẹp mắt, chị Thoa giới thiệu: Đây là một trong những công việc được chị em chọn làm vào những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập.
Theo chị Thoa, đa phần phụ nữ ở xã đều đi làm ở công ty, phần còn lại thì buôn bán, làm thuê,… việc làm không ổn định, thu nhập rất bấp bênh. Đó cũng là vấn đề mà Hội LHPN luôn trăn trở và tìm cách giúp các chị em nâng cao đời sống, cũng là góp phần giữ vững và nâng chất 3 tiêu chí nông thôn mới (thu nhập, hộ nghèo và cơ cấu
lao động).
Thế là Hội LHPN xã Đông Thành đã đến “gõ cửa” từng nhà vận động chị em tham gia các lớp học nghề lao động nông thôn. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của chị em cũng như tận dụng nguyên vật liệu sẵn có, hội đã tổ chức các lớp dạy đan lác, thảm lục bình, may công nghiệp,…
Những công việc này tương đối nhẹ nhàng lại có thể làm những khi rảnh rỗi nên được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Hiện tại, địa phương cũng thành lập được các điểm may công nghiệp, điểm thu mua lục bình và thảm lác, tổ làm cốm chà bông, tổ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,…
Từ việc tham gia các lớp thủ công mỹ nghệ, chị em xã Đông Thành có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. |
“Tính năm 2017, thông qua các lớp dạy nghề, Hội LHPN xã đã giới thiệu cho trên 360 học viên lao động tại các công ty và trên 310 chị em có việc làm ổn định tại địa phương. Thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần phát triển kinh tế gia đình”- chị Thoa phấn khởi nói.
Chị Đinh Thị Bích Nhung (ấp Đông Hưng 2) cho hay: Hàng ngày bên cạnh việc buôn bán, chị còn đan thảm, giỏ lục bình. “Ở nông thôn có được việc làm như vầy là quá tốt rồi.
Tôi mới làm gần tháng nay mà kiếm thêm trên 2 triệu đồng”- chị Nhung vui vẻ nói. Ngồi đan giỏ cạnh bên, cô Trần Thị Thu Hà cũng cho hay: “Từ khi học nghề và có việc làm, gia đình tôi chi tiêu cũng thoải mái hơn”.
Chị Thoa cho biết thêm: Hiệu quả của việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho chị em đã góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên, phụ nữ nghèo. Cụ thể, năm qua đã có 59 chị vươn lên khá, 12 hộ hội viên và 6 chị nữ chủ hộ thoát nghèo. “Chính vì thế Hội LHPN xã sẽ tiếp tục duy trì mô hình này vừa giúp chị em có thêm thu nhập vừa góp phần cùng địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo”.
Khởi sắc từ mô hình “Ấp an toàn”
Từ khi triển khai mô hình “Ấp an toàn điểm” địa phương đã có nhiều khởi sắc. Lúc trước không được sáng sủa như bây giờ”- chú Nguyễn Thanh Hồng- Bí thư Chi bộ ấp An Thạnh B (xã Bình Ninh- Tam Bình) giới thiệu như thế.
Chú Hồng kể: Lúc trước, trong ấp thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Không những vậy, số trộm cắp, uống rượu gây rối trật tự, đánh bài, số đề,… lại có chiều hướng tăng.
Người dân chưa ý thức phòng chống các tệ nạn xã hội, chưa gắn được phong trào Toàn dân bảo vệ Tổ quốc, cảnh quan môi trường chưa đạt theo yêu cầu.
Nhận thấy phải thay đổi, Hội Cựu chiến binh xã quyết định triển khai mô hình “Ấp an toàn điểm ấp An Thạnh B”, với mục đích “nâng cao chất lượng đời sống cho người dân cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm.
Bên cạnh, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, đảm bảo vì đời sống xóa nghèo và có trách nhiệm chấp hành pháp luật của Nhà nước...”- ông Nguyễn Trung Nghĩa- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã- cho biết.
Nhờ quyết tâm cao cộng với công tác tuyên truyền vận động “dễ hiểu, dễ làm” nên cả ấp cùng chung tay thực hiện. Rồi sau gần 1 năm, ấp An Thạnh B đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhìn con đường đá ven sông đang được thi công, chú Trần Văn Lánh xúc động: “Ấp giờ thay đổi lắm. Đường sá, đê bao được đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch thì tuyến đường này đi ngang vườn cam của tui, tui sẵn sàng đốn bỏ để bà con mình có đường mới đi lại”.
Bên vườn cây ăn trái tươi tốt, anh Nguyễn Văn Duyên hào hứng: “Hồi trước, nước ngập là vườn cây thấy rầu lắm. Nhờ có đê bao mà giờ cây trái phát triển thuận lợi hơn. Bà con mình giờ an tâm sản xuất, làm ăn”.
Bà con còn đóng góp, xây dựng cổng an ninh trật tự ở đầu và cuối ấp mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tội phạm. “Tình hình an ninh đỡ hơn nhiều, không còn phức tạp. Nhà tui kế bên nên hễ có gì là vợ chồng ra đóng cổng lại ngay”- cô Trần Thị Bé Tư
cho hay.
Chú Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Năm 2017, ấp An Thạnh B được xã công nhận là “ấp an toàn”, đó chính là “quả ngọt” từ sự đồng tâm hợp sức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ- TUYẾT NGA
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin