Sự cần thiết ban hành Luật ĐVHC- KTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

07:06, 12/06/2018

Việc xây dựng dự án luật này nhằm xây dựng một số ĐVHC-KTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị. Qua đó, tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các ĐVHC-KTĐB nhằm mục đích cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc thảo luận tại hội trường
Đại biểu Dương Trung Quốc thảo luận tại hội trường

Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), sau đó, đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Việc xây dựng dự án luật này nhằm xây dựng một số ĐVHC-KTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị. Qua đó, tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các ĐVHC-KTĐB nhằm mục đích cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Sự cần thiết ban hành luật

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, các quy định trong dự thảo luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... đều bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. Sau khi chỉnh lý, dự thảo luật gồm 6 chương, 85 điều.

Trong dự án luật này đã quy định cụ thể về một số ưu đãi được xem là có tính đột phá về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; về ngân sách và ưu đãi về thuế; về các cơ chế, chính sách đặc biệt khác…

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 23/5, đa số đại biểu đều đồng tình về tính cần thiết phải ban hành dự án luật này.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (đơn vị tỉnh Thanh Hoá), việc ban hành Luật ĐVHC-KTĐB nhằm luật hóa chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp. Đây là vấn đề thực sự cần thiết nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển, xây dựng niềm tin và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo các đại biểu, đây cũng là mô hình mới, có nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, chúng ta làm để cải cách về thể chế nhằm đổi mới và đột phá về kinh tế trong những năm tới.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đơn vị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) hy vọng sự ra đời của 3 đặc khu HC-KTĐB nước ta sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, mỗi đặc khu khai thác những lợi thế riêng và sẽ là bệ đỡ tăng trưởng để dòng tiền đầu tư vào đặc khu ngày càng tăng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đơn vị tỉnh Quảng Bình), đây là mô hình mang tính đột phá, là động lực trong chiến lược phát triển kinh tế mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Đây cũng là chiến lược phát triển kinh tế phù hợp cho mục tiêu, định hướng với những ngành nghề ưu tiên, có lợi thế vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Những điểm cần cân nhắc

Ngoài đa số đại biểu đồng tình với dự án luật, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn với một số điều khoản đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm, đặc biệt là các chính sách về đất đai phải phù hợp với Hiến pháp và Luật Đất đai.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đơn vị TP Hà Nội), hiện nay, theo ước tính để đầu tư cho 3 đặc khu chúng ta cần xấp xỉ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Chính vì vậy, bài toán đặt ra, phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý. Tôi muốn rằng, các quy định của luật phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi.

Trong quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai, có một quy định được nhiều ý kiến đại biểu đóng góp, đó là quy định Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể kéo dài nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đại biểu Trần Văn Quý (đơn vị tỉnh Hưng Yên) đồng tình nhưng đề nghị trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đơn vị tỉnh Đồng Nai) cho rằng, khi đặt ra vấn đề về thời lượng 99 năm được coi như một ưu thế vượt trội nhưng chúng ta hết sức thận trọng. Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không.

99 năm thì tôi nghĩ là những nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 này họ không cần đến thời gian. Tôi rất tán đồng có điều khoản này nhưng hết sức thận trọng chứ nếu không nó sẽ trở thành nơi di dân mà thôi.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho biết, chúng ta hy sinh với ưu đãi thì phải được nhiều và nhiều lần so với những chi phí và tổn thất phải bỏ ra và gánh chịu.

3 đặc khu phải góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn với công nghệ hiện đại hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn; bảo đảm môi trường xanh, sạch hơn; đời sống vật chất, văn hóa của người dân sở tại tốt hơn; chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền kinh tế phải được bảo vệ vững chắc hơn; và cuối cùng phải tạo ra những thành phố Việt Nam văn minh và thịnh vượng hơn, ngang tầm với khu vực và thế giới.

Từ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, ngày 11/6, UBTV Quốc hội có báo cáo về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật ĐVHC-KTĐB. Theo UBTV Quốc hội, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ;

nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau.

Ngày 11/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị của UBTV Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật ĐVHC-KTĐB từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, UBTV Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, UBTV Quốc hội thống nhất với Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Bài, ảnh: TÂM HUỲNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh