"Những ý kiến của người dân mà thấy việc 99 năm là không ổn, là bất an, mà lòng dân bất an thì khó làm lắm cho nên phải điều chỉnh".
"Những ý kiến của người dân mà thấy việc 99 năm là không ổn, là bất an, mà lòng dân bất an thì khó làm lắm cho nên phải điều chỉnh".
Khu ven biển Vạn Ninh (Khánh Hòa) - nơi dự kiến sẽ trở thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong tương lai. |
Liên quan đến dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là dự luật đặc khu) đang nhận được nhiều ý kiến tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa cho biết, sẽ điều chỉnh lại thời hạn thuê đất tại 3 đặc khu một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là đất thuê và thuê theo quy trình chứ không phải giao vĩnh viễn, nhượng tô, nhượng địa và rất tiếc là nhiều người hiểu nhầm điều này.
Sau ý kiến này của người đứng đầu Chính phủ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có phần yên tâm hơn khi nhấn nút thông qua dự luật đặc khu, dự kiến được biểu quyết vào ngày 15/6 tới.
Phải nghe được lòng dân
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, việc ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh thời gian cho thuê đất là hợp lý và đề nghị thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp thứ 5 lần này.
Ông Nguyễn Văn Thân cho hay, sắp tới, Quốc hội sẽ bàn thảo xem có thông qua dự luật Đặc khu hay không. Nếu Quốc hội thông qua với tinh thần không phải là cho thuê đất 99 năm thì đấy là sự lắng nghe của Quốc hội và ý kiến của Thủ tưởng là sự lắng nghe của Chính phủ.
Theo đại biểu đoàn Thái Bình, sự lắng nghe đó là rất tốt bởi khi có ý kiến của người dân, mà nhiều người dân có ý kiến như thế thì cũng phải lắng nghe. Mình nên lắng nghe, thấy hợp lý thì mình theo, không nên cứng nhắc vì mỗi người một ý kiến nhưng tập trung những ý kiến sáng nhất.
"Những ý kiến của người dân mà thấy việc 99 năm là không ổn, là bất an, mà lòng dân bất an thì khó làm lắm cho nên phải điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh rất là tốt và thể hiện đó là một xã hội rất dân chủ", ông Nguyễn Văn Thân đánh giá.
Đại biểu Thân cũng lưu ý, cần tuyên truyền để cho tất cả nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư của Việt Nam và nhà đầu tư của các nước trên thế giới thấy môi trường đầu tư của Việt Nam rộng rãi, thông thoáng...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Ảnh: Quochoi.vn) |
Ông Nguyễn Văn Thân nhận định, thời hạn thuê đất đặc khu 99 năm hay 70 năm, 50 năm hay 30 năm cũng chỉ là yếu tố kích thích đầu tư, còn cơ chế, chính sách rồi trong quá trình thực hiện làm sao để nhà đầu tư người ta thấy, người ta yên tâm, tạo điều kiện cho người ta mới là điều quan trọng.
"Thời gian đấy chỉ là một tiêu chí để khuyến khích người ta vào thôi chứ không phải là số năm dài mà người ta vào mà mình không tính đến đến cái khác. Còn rất nhiều các chính sách ưu đãi khác đối với nhà đầu tư", ông Thân nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, cần có các đặc khu để nó như là một "trung tâm thu hút" với những thử nghiệm mang tính đột phá và vượt trội. Thử nghiệm mà trong mấy năm có gì đó chưa ổn thì sẽ rút kinh nghiệm và sửa. Do đó, ông Thân tán thành việc thông qua luật đặc khu tại kỳ họp này.
70 năm hay 99 năm có "dụ" được nhà đầu tư?
Chia sẻ quan điểm với báo giới về dự luật đặc khu, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bày tỏ điều ông quan tâm nhất trong dự án luật này là thời hạn cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Ảnh: Quochoi.vn) |
Xây dựng các đặc khu mà ở đó có không gian, sự hấp dẫn các nhà đầu tư là rất cần thiết cho phát triển kinh tế. Có thể nói đến lúc này mới hình thành đặc khu là quá muộn, ông Dương Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng: "Khi xây dựng các đặc khu này, chúng ta mới nhìn mặt tích cực, thành công của thiên hạ chứ chưa xem thất bại của thiên hạ thế nào".
Do đó, ông Dương Trung Quốc lưu ý, cần có sự thận trọng, không thể mang ra thử nghiệm được, nhất là khi cùng một lúc thí điểm 3 đặc khu - vùng đất được coi là "bờ xôi, ruộng mật". Quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng vì cả 3 đặc khu đều hướng ra Biển Đông như cái bình phong của đất nước.
Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn góp ý: Không thể mang chuyện 99 năm ra để thử nghiệm. "Bút sa gà chết", đã ký 99 năm thì không thể thử nghiệm được. Bài học Formosa vẫn còn đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khi đó vượt quá thẩm quyền, ký cho thuê đất 70 năm, rồi bị kỷ luật. Nhưng phải đến khi xảy ra vụ ô nhiễm môi trường mới vào cuộc xử lý nhưng cũng chỉ giải quyết về vấn đề môi trường chứ có thay đổi được hợp đồng 70 năm đâu!
Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, 99 năm hay 70 năm chỉ là con số tượng trưng. "Chúng ta đã có Luật Trưng cầu dân ý, nếu Quốc hội thấy tự tin việc đó là cần thiết thì nên trưng cầu dân ý. Chúng ta cũng có thể trưng cầu ngay tại kỳ họp Quốc hội này. Nhưng trưng cầu không phải bằng hình thức "bấm nút", vì "bấm nút" là ẩn danh, mà cần phải công khai. Ví dụ, đại biểu Dương Trung Quốc có đồng ý hay không đồng ý?", ông Dương Trung Quốc đề xuất.
Việt Nam đâu đã đến mức khốn khó để phải đưa ra con số 99 năm nhằm "dụ" nhà đầu tư đến với mình. Môi trường đầu tư thuận lợi là quan trọng nhất, khi môi trường kinh doanh tốt họ sẽ tự tìm đến, họ làm ăn tốt họ sẽ ở lại lâu dài và ngược lại không ai có thể giữ họ ở lại được, đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin