Phát triển kinh tế tập thể- còn nhiều khó khăn

03:06, 14/06/2018

Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm tại huyện Long Hồ, đoàn giám sát của Tỉnh ủy nhận định: bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề phát triển kinh tế tập thể của địa phương. 

Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm tại huyện Long Hồ, đoàn giám sát của Tỉnh ủy nhận định: bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề phát triển kinh tế tập thể của địa phương. 

Mặc dù có sự chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là vấn đề duy trì hoạt động của các hợp tác xã (HTX).

Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tham quan HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn.
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tham quan HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn.

Hướng chuyển biến của kinh tế tập thể

Những tháng đầu năm 2018, kinh tế huyện Long Hồ có nhiều chuyển biến. Theo báo cáo của huyện, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng.

Giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 1.267 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ. Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ và phát triển với giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm thực hiện được hơn 908 tỷ đồng, ước lũy kế 6 tháng đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 9,53% so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt trên 50% chỉ tiêu nghị quyết; trong đó, kinh tế tập thể có nhiều thay đổi.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, huyện thành lập mới 4 HTX (HTX Chế biến trái cây Cù Lao Minh xã Bình Hòa Phước; HTX Nông nghiệp Long Phước, HTX Thương mại dịch vụ Hòa Ninh, HTX Nông nghiệp Hòa Phú) và ngưng hoạt động 2 HTX.

Đến nay, toàn huyện có 10 HTX và 248 tổ hợp tác đang hoạt động. Song song đó, tổ chức hoạt động của HTX, tổ hợp tác tiếp tục đổi mới, phát triển thêm thành viên, vốn hoạt động; chất lượng hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên; thực hiện đúng luật HTX.

Huyện cũng quan tâm củng cố và phát triển kinh tế tập thể, tạo mọi điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kinh tế tập thể có điều kiện phát triển.

Nhìn chung hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ở địa phương được tăng cường, ngày càng tốt hơn; các HTX hoạt động ổn định, hiệu quả hơn, doanh thu bình quân của HTX trên 3,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kinh tế tập thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi vốn tự có của HTX rất thấp, chủ yếu nằm ở tài sản của thành viên nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Vốn đầu tư lưu động của kinh tế tập thể chiếm tỷ lệ thấp so với thành phần kinh tế khác.

Đồng thời, các HTX vẫn còn thiếu vốn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa đa dạng hóa các hoạt động nhất là khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm nên hiệu quả và chất lượng chưa cao.

Còn nhiều thách thức đặt ra cho HTX

Qua khảo sát thực tế cho thấy, HTX phát triển còn chậm, chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận còn thấp, khó khăn lớn nhất hiện nay tập trung vào các vấn đề nguồn vốn, nhân lực.

Ông Lâm Hải Trung- Phó Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Long Hồ cho biết, bên cạnh khó khăn về tiếp cận nguồn vốn thì vấn đề năng lực quản lý của Ban quản trị HTX là vấn đề đáng lưu tâm.

Bởi hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng là nguyên nhân của sự bế tắc khó khăn trong hoạt động của HTX. Ở nhiều HTX, khi ban quản trị gặp vấn đề phát sinh thì dễ dàng đi vào con đường giải thể.

Theo đó, trước đây, đa phần cán bộ lãnh đạo HTX đều tích lũy kiến thức từ những kinh nghiệm trong thực tế lao động sản xuất. Khi hình thành HTX, họ trở thành những nhà quản lý “tay ngang”, còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu sót. Điều này ít nhiều gây khó khăn trong việc đưa HTX phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Thế nhưng, có những trường hợp đi ngược lại với khó khăn về vấn đề người quản lý HTX, điển hình là HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn. HTX có giám đốc tâm huyết nhưng lại gặp khó khăn trong công tác liên kết hội viên cùng sản xuất, cùng “chịu rủi ro”.

HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn (ấp An Long, xã An Bình) hiện có 7 thành viên đều ở tại Vĩnh Long. Tổng thể tích nuôi trồng gần 10.000m3 với sản lượng dự kiến khoảng 800 tấn/năm. Sản phẩm cá điêu hồng sản xuất tại HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Theo Giám đốc HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn, HTX đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý, liên kết hội viên.

Ông cho biết: “Nội bộ HTX vẫn chưa tìm được sự thống nhất do trình độ, nhận thức của các thành viên chưa đồng đều. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo số lượng cá cung cấp cho thị trường”.

Nhu cầu thị trường mỗi ngày từ 5- 6 tấn cá sạch, tuy nhiên, hiện HTX chỉ mới cung cấp được 2- 3 tấn cá do các thành viên chưa đồng ý liên kết sản xuất. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm với giá cả thị trường chưa ổn định khiến hội viên chưa an tâm tham gia sản xuất.

“Trong thời gian tới, HTX chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa và đầu tư xây dựng điểm bán cá sạch trên toàn tỉnh. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ, cần phải thay đổi nhận thức cho toàn bộ thành viên thì HTX mới phát triển”- ông Tuấn ngậm ngùi cho biết.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- đề nghị trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng kinh tế tập thể gặp nhiều khó khăn, huyện Long Hồ cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ được lợi ích của kinh tế tập thể, đồng thời cần có những chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cần khai phá, nhân rộng tiềm năng phát triển trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và du lịch.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh