Làn gió mới từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

06:06, 13/06/2018

Khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm tại huyện Mang Thít, Đoàn giám sát của Tỉnh ủy đã ghi nhận kết quả phát triển tích cực về mọi mặt của huyện, nổi bật là lĩnh vực kinh tế. Một trong những kết quả được đánh giá cao là sự xuất hiện của các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, áp dụng công nghệ cao, mang tính đột phá.

 

Khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm tại huyện Mang Thít, Đoàn giám sát của Tỉnh ủy đã ghi nhận kết quả phát triển tích cực về mọi mặt của huyện, nổi bật là lĩnh vực kinh tế. Một trong những kết quả được đánh giá cao là sự xuất hiện của các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, áp dụng công nghệ cao, mang tính đột phá.

Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tham quan mô hình trồng nấm của Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An.
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy tham quan mô hình trồng nấm của Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An.

Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực

Hiện nay, ngành nông nghiệp của huyện Mang Thít tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực.

Theo đánh giá của địa phương, do việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật được đẩy mạnh nên hầu hết các mô hình được đầu tư đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các mô hình trồng trọt và chăn nuôi.

Những năm qua, huyện đã xác định được các cây trồng, vật nuôi thế mạnh, chủ lực để tập trung phát triển và trong 6 tháng đầu năm, tỉnh và huyện đã đầu tư 13 mô hình, dự án gần 3 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện, huyện có một số mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư công nghệ cao được đánh giá khả quan, có khả năng nhân rộng cho người dân.

Đến thăm vườn trồng thanh long ruột đỏ diện tích 5ha của Công ty TNHH Thạch Võ (ấp Định Thới A, xã An Phước), chúng tôi ấn tượng với những trụ thanh long thẳng tắp xanh mướt đang cho sai trái.

Ông Võ Văn Thạch- đại diện công ty- cho biết: “Vườn thanh long ruột đỏ đã cho trái được 7 năm. Năm vừa qua, thu được lợi nhuận 6 tỷ đồng, trung bình 1ha thanh long đạt 1,2 tỷ đồng”. Vừa trồng nguyên liệu, công ty vừa thu mua, đóng gói và xuất khẩu thanh long; giá thanh long ruột đỏ hiện dao động từ 35.000- 45.000 đ/kg.

Trung bình mỗi ngày xưởng thu mua vào 80 tấn thanh long thành phẩm, xuất khẩu khoảng 5- 6 tấn tới thị trường nước ngoài. Những trái thanh long tươi ngon được lựa chọn kỹ lưỡng, bảo quản trong điều kiện môi trường tiêu chuẩn cao đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Trại chăn nuôi vịt Kim Lan trong nhà kín với nhiệt độ lạnh ở ấp Cái Tranh (xã Mỹ Phước) hiện đang có khoảng 20.000 con vịt. Anh Nguyễn Thiên Long- người trực tiếp nghiên cứu và áp dụng công nghệ nuôi vịt trong trại kín- cho biết: “Vịt được nuôi trong môi trường lạnh, kín hoàn toàn, trung bình 48 ngày sẽ xuất chuồng, đạt trọng lượng 3,2- 3,3kg. Giá thị trường khoảng 40.000 đ/kg”. Khởi động từ đầu năm 2015 đến nay, trại chăn nuôi vịt đã xuất 5 lứa với trung bình 18.000 con/lứa.

Chị Trần Thị Kim Lan- chủ trại nuôi- cho biết thêm: “Thời gian tới, trại sẽ phát triển thêm 10.000 con vịt và đầu tư mua sắm thiết bị mới để giám giá thành nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí chăm sóc”.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ sinh học tại Anh, cô gái trẻ Cao Thúy An đem kiến thức, nhiệt huyết về quê hương phát triển.

Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (ấp Cái Cạn 2, xã Mỹ Phước) là nơi chị An nghiên cứu và chuyên sản xuất, kinh doanh các loại nấm, phôi nấm và nuôi tôm càng xanh.

Chị An cho biết hiện tôm càng xanh được nuôi trên 16.000m2. Các loại nấm (nấm rơm, linh chi, bào ngư) được nuôi trồng trong 9 nhà trồng với diện tích 100 m2/nhà. Mỗi 3 tháng công ty của chị An thu hoạch 3 tấn nấm với giá trung bình 35.000 đ/kg. Các loại nấm từ công đoạn cấy phôi đến khi thu hoạch đều được sản xuất trong quy trình khép kín, đạt chất lượng.

“Mô hình nuôi trồng nấm vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vừa đảm bảo ứng dụng thiết kế để tiết kiệm nhân công đến mức thấp nhất”- chị An cho biết thêm.

Cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới

Đối với huyện Mang Thít, các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả tốt, lợi nhuận kinh tế cao nhưng việc nhân rộng vẫn bị hạn chế do tập quán sản xuất và ý thức người dân còn trông vào sự đầu tư của Nhà nước.

Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết, 3 mô hình nêu trên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, là hạt nhân tạo động lực phát triển kinh tế. Từ đó, cần triển khai tạo vùng sản xuất và kinh doanh tập trung để dễ dàng trong công tác liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Hơn ai hết, chủ doanh nghiệp và mô hình kinh tế hiểu rõ những khó khăn gặp phải khi nguồn cung nguyên liệu trên địa bàn không đáp ứng đủ yêu cầu thị trường. Vì lẽ đó, họ đã có những việc làm thiết thực bước đầu trong việc nhân rộng.

Để đảm bảo đủ số lượng nguyên liệu cũng như tích cực hỗ trợ người dân cùng tăng gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, công ty TNHH Thạch Võ tiến hành mở rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ đến người dân.

Theo đó, công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí đồng thời bao tiêu sản phẩm thanh long ruột đỏ cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo ông Võ Văn Thạch, năm 2017, công ty đã hỗ trợ nhân rộng mô hình cho người dân với 300ha. Đầu năm 2018, công ty đã hỗ trợ cho 200ha, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Mô hình nuôi vịt trong nhà kín bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình nuôi vịt trong nhà kín bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Tương tự, chính quyền địa phương và chị Cao Thúy An đang kết hợp nhân rộng mô hình trồng nấm ra nông dân. Theo đó, chị An đang nghiên cứu thiết kế quy trình trồng nấm với diện tích nhỏ, phù hợp với từng hộ gia đình.

Bên cạnh đó, chị An cũng đang thử nghiệm đem phôi giống do công ty sản xuất ra cho người dân nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- nhận định: 3 mô hình sản xuất nông nghiệp kể trên mang tính “mới”, đột phá, áp dụng công nghệ cao, hiệu quả và quy mô hàng đầu của tỉnh.

Ông chỉ đạo các ban, ngành địa phương cố gắng nhân rộng mô hình để người dân cùng làm. Đồng thời, động viên, khuyến khích các mô hình tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của huyện Mang Thít, trong 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế huyện tiếp tục phát triển trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (tăng 6,22%), nông nghiệp- thủy sản (tăng 3,04%) và dịch vụ- thương mại (tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,8% và doanh thu dịch vụ tăng 11,2%); thu ngân sách đạt khá cao. Một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao...

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh