Các bộ, ngành không được vay vốn nước ngoài để chi thường xuyên

02:06, 24/06/2018

Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương không được đề xuất ký kết các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên.

  •  

Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương không được đề xuất ký kết các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên.

    Các bộ, ngành không được vay vốn nước ngoài để chi thường xuyên (Ảnh minh họa: KT)
    Các bộ, ngành không được vay vốn nước ngoài để chi thường xuyên (Ảnh minh họa: KT)

    Đây là một trong những quy định được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư số 54/2018/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019 - 2021.

    Theo đó, đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (bao gồm vốn vay và viện trợ), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện lập dự toán các chương trình, dự án có sử dụng vốn ngoài nước, chi tiết vốn vay nợ nước ngoài (bao gồm vay ODA, vay ưu đãi), vốn viện trợ, vốn đối ứng; phân định theo tính chất chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp.

    Trong đó, ưu tiên bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm kế hoạch. Các chương trình, dự án mới chỉ được triển khai nếu thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng giải ngân theo hiệp định đã ký và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương không đề xuất ký kết các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên.

    Đối với các chương trình, dự án sử dụng hỗn hợp cả vốn cấp phát từ NSNN và vốn cho vay lại, cơ quan được giao quản lý phải hướng dẫn lập, tổng hợp dự toán cho từng phần vốn.

    Các chương trình, dự án do một số bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cùng tham gia phải lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước gửi cơ quan chủ quản chương trình, dự án tổng hợp và thuyết minh cơ sở phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

    Việc lập dự toán chi từ nguồn vốn ngoài nước phải đảm bảo đúng, đủ và trong phạm vi hạn mức quy định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

    Trường hợp đánh giá dự án đang triển khai có khả năng giải ngân không đạt hoặc vượt kế hoạch trung hạn đã được giao hoặc có các dự án đã được phê duyệt chủ trương, ký kết hiệp định, thỏa thuận vay vốn, có khả năng giải ngân trong các năm 2019 - 2020, nhưng chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể để xem xét điều chỉnh kế hoạch trung hạn trong tổng hạn mức vốn vay (cả nguồn trong nước và ngoài nước) thuộc kế hoạch trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định./.

    Theo Cẩm Tú/VOV.VN

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh