Theo tờ trình dự án Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường của Chính phủ vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế được đề xuất điều chỉnh sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2018 là khoảng 0,11 - 0,15%.
Theo tờ trình dự án Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường của Chính phủ vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế được đề xuất điều chỉnh sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2018 là khoảng 0,11 - 0,15%.
Đề xuất tăng kịch trần, lo ngại giá cả biến động
Theo tờ trình của Chính phủ, việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như: xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5, dầu diesel B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.
Lo ngại giá cước dịch vụ vận chuyển sẽ tăng nếu thuế xăng dầu điều chỉnh mức kịch trần. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Theo đó, mức thuế BVMT đối với xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; mỡ nhờn đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; dầu hỏa đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít. Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế đề nghị tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.
Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Chính phủ tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến là khoảng 57.612,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm. Từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012- 2017 khoảng 150.810 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỷ đồng/năm.
Lo ngại sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng bày tỏ: "Lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục. Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất được chấp thuận, ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỷ đồng/năm. Rõ ràng quyền lợi của người dân chưa được xem xét đến.
Đặc biệt, giá xăng dầu đang cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp.
Trong khi đó đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, việc tăng thuế là cần thiết nhưng phải có độ trễ nhất định, Bộ Tài chính phải cân nhắc và tính toán rất kỹ. Bởi hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, nhiều mặt hàng thuế xuất nhập khẩu về không, nguồn thu giảm nhiều nên phải quay về thu nội địa để cân đối ngân sách.
"Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải nhưng cơ chế thị trường thì phải chấp nhận thôi. Các doanh nghiệp vận tải giờ chủ yếu là tư nhân, phải tự cân đối thu chi, nếu tăng giá mà khách hàng, đối tác không chịu thì phải tính toán lại", ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.
Đề cập về tác động đến người dân khi tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Ban soạn thảo đánh giá tiêu dùng của các hộ gia đình có giảm tương ứng theo các nhóm dân cư. Theo đó, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Điều chỉnh để ngăn chặn “chảy máu” xăng dầu
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để xử lý, khắc phục những tổn hại về môi trường. Thuế BVMT là thuế gián thu, khi áp thuế cao thì đương nhiên giá cả biến động.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Nếu giá quá thấp, sẽ “chảy máu” xăng dầu sang các nước khác, trong khi đây là nguồn thu quan trọng của Việt Nam.
Trước mắt việc tăng thuế giá xăng sẽ có biến động nhưng nếu có tăng giá xăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành sản phẩm, bởi xăng dầu chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố quyết định giá thành các sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Nếu doanh nghiệp sử dụng phương tiện hợp lý thì sẽ không có đột biến.
Đại diện Học viện Tài chính cho hay, về điều chỉnh mức thuế, mặc dù xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống song là nguồn năng lượng không tái tạo và quá trình sử dụng gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, nên phải quy định mức thu đủ lớn sao cho các nhà sản xuất phương tiện vận tải phải chú ý nhiều hơn đến mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu.
Hơn nữa, đối với các sản phẩm khác, như túi nilon, mức đề xuất tăng như trên là phù hợp vì thực tế mức thuế BVMT đối với túi nilon hiện hành là 40.000 đồng/kg. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh làm ra túi nilong không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng nhưng giá bán trên thị trường hiện nay chỉ 30.000 đồng/kg trong khi thuế thu 40.000 đồng/kg, điều đó cho thấy các sản phẩm đó đang có sự gian lận, trốn thuế.
Thống kê của Bộ Tài chính cho hay, chi ngân sách cho BVMT trong giai đoạn 2012-2017 đã đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. “Đối với chính sách về thuế BVMT, nên mở rộng đối tượng chịu thuế như pin, ắc quy, một số hóa chất tẩy rửa công nghiệp và các loại thuốc bảo quản thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng, bởi đây là những mặt hàng mà quá trình sản xuất, sử dụng hoặc khi kết thúc quá trình sử dụng thải ra gây ô nhiễm môi trường. Việc đưa vào diện chịu thuế BVMT đối với một số hàng hóa là để thực hiện đúng phương châm chính sách “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, PGS. TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính nhấn mạnh.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin