Làng nghề, xóm nghề không chỉ gắn với sự hình thành, phát triển của một vùng đất mà ẩn sâu trong đó là những nét đẹp văn hóa, lịch sử lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Làng nghề, xóm nghề không chỉ gắn với sự hình thành, phát triển của một vùng đất mà ẩn sâu trong đó là những nét đẹp văn hóa, lịch sử lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Từ việc “gom lại” để cùng nhau tạo ra sản phẩm thì làng nghề, xóm nghề còn là “bức tranh sinh hoạt cộng đồng thu nhỏ”. Qua đó, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…
Nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm. Tôi thường háo hức khi phát hiện có nhiều xóm nghề “ngụ” trong một đô thị nhỏ.
Chẳng hạn, tại TP Vĩnh Long, chỉ tính riêng khu vực ven sông rạch đã có rất nhiều xóm như: xóm chài, xóm đáy, xóm bún, xóm cần xé…
Đến xóm chài, tôi bị hấp dẫn bởi những người yêu sông, hiểu luôn… con cá và bởi những câu chuyện ly kỳ “như trong phim”: ở xóm có những người thợ lặn giỏi chuyên đi “cứu” tàu ghe bị đắm; có người tình cờ phát hiện dưới đáy sông có cả tủ đựng tiền…
Trong khi đó, thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh) trước đây “nhỏ xíu” vậy mà có đến mấy chục nghề. Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX Bình Minh đến năm 2035, ngoài các nét đặc sắc về văn hóa, dân tộc, các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã là tài nguyên nhân văn cần được kể đến.
Việc định hướng để bảo tồn, phù hợp hóa mô hình làng nghề trong quá trình đô thị hóa cần được cân nhắc trong giải quyết đồ án quy hoạch chung thị xã.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những làng nghề, xóm nghề còn duy trì, phát triển… thì không ít làng nghề, xóm nghề gặp khó, nguy cơ bị mai một, xóa sổ. Thực trạng đó đòi hỏi những biện pháp hỗ trợ, một mặt để tạo việc làm cho người lao động.
Mặt khác, khôi phục phát triển làng nghề, xóm nghề (với những nghệ nhân, công trình kiến trúc, công cụ, sản phẩm nghề, bí quyết gia truyền…) còn có ý nghĩa bảo tồn bức tranh văn hóa. Qua đó, góp phần tạo nên đặc trưng, sức hấp dẫn một vùng đất, một đô thị cụ thể.
NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin