Đấy hoàn toàn không phải chuyện bao đồng mà có cơ sở thực tế hẳn hoi, cũng không phải chuyện xa vời mà đã xảy ra ngay trong khóm, trong phường- xã của đô thị mình. Đành là "chuyện đã rồi" thì tập trung khắc phục nhưng lo là lo sự việc tương tự còn tiếp diễn, xảy ra mới.
Đấy hoàn toàn không phải chuyện bao đồng mà có cơ sở thực tế hẳn hoi, cũng không phải chuyện xa vời mà đã xảy ra ngay trong khóm, trong phường- xã của đô thị mình. Đành là “chuyện đã rồi” thì tập trung khắc phục nhưng lo là lo sự việc tương tự còn tiếp diễn, xảy ra mới.
Chuyện dưới đất thì chỉ tính từ đầu tháng 5/2018 đến giờ, vài nơi trong tỉnh đã xảy ra các vụ lở bờ kinh, bờ sông… gây hư hỏng nặng hoặc “nuốt chửng” đường dân sinh, có nơi lở tấn công hàng rào, mái che, sân nhà... khiến người dân phải khẩn cấp di dời.
Chẳng hạn, vụ lở bờ kinh Hai Quý thuộc Tổ 1- 2, Khóm 1 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) bắt đầu từ 8/5 đến nay đã cắt đứt hoàn toàn đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân- phải “bỏ nhà” đến nơi an toàn…
Đáng nói là sạt lở ở khu vực này có nguy cơ còn tiếp diễn với các vết nứt chi chít- dấu hiệu cảnh báo sạt lở- đã xuất hiện, lan rộng.
Còn chuyện trên trời thì mới đây (17/5), tại xã Thuận An (TX Bình Minh) một trận lốc xoáy đã cuốn phăng biển quảng cáo to đùng từ không trung đổ ập, trúng ngay thùng xe container đang đậu gây hư hỏng nặng. Còn may là sự cố không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là còn rất nhiều biển quảng cáo “to đùng” khác ở ngay khu vực đông dân cư, dọc các tuyến đường lớn… không biết đơn vị chức năng đã kiểm tra, đảm bảo độ an toàn của các biển này trước tác động mưa bão, thậm chí là “biến đổi khí hậu” hay chưa?
Mùa mưa đang về, còn nhiều chuyện trên trời, dưới đất khác có thể xảy ra- đe dọa ảnh hưởng tính mạng và tài sản của người dân.
Trong đó, chuyện dưới đất thì ngoài đề phòng lở đất còn chuyện miệng hố gas, hố công trình đang thi công trống hoác, không cắm biển báo hoặc chỉ đậy nắp “hờ hững” như “bẫy người”…
Chuyện trên trời thì ngoài biển báo, biển quảng cáo “yếu ớt” còn lo chuyện cây xanh “sức khỏe kém” bất ngờ thân gãy, cành rơi, bật gốc; trụ điện bất ngờ nghiêng ngã…
Nói chung, để tránh tai họa từ đâu đâu như “trên trời, dưới đất” thình lình ập đến ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân, rất mong các sở, ngành hữu quan- trong phạm vi quản lý, chức năng nhiệm vụ của mình cần rà soát, đánh giá, có giải pháp chủ động phòng ngừa tình huống xấu xảy ra.
NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin