Dấu ấn trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội

04:05, 03/05/2018

Trong suốt mấy mươi năm xây dựng (XD) và trưởng thành, ngành XD Việt Nam, trong đó có ngành XD Vĩnh Long, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng thời, luôn giữ vững và khẳng định vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội qua từng thời kỳ.

Trong suốt mấy mươi năm xây dựng (XD) và trưởng thành, ngành XD Việt Nam, trong đó có ngành XD Vĩnh Long, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng thời, luôn giữ vững và khẳng định vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội qua từng thời kỳ.

Nhờ vào đóng góp lớn của ngành xây dựng, từ lúc chưa được định hướng phát triển rõ nét, đến nay toàn tỉnh đã hình thành mạng lưới 8 đô thị.
Nhờ vào đóng góp lớn của ngành xây dựng, từ lúc chưa được định hướng phát triển rõ nét, đến nay toàn tỉnh đã hình thành mạng lưới 8 đô thị.

Những công trình lưu dấu

60 năm qua, ngành XD Việt Nam luôn giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, là lực lượng chủ yếu tạo ra tài sản cố định, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... Khẳng định bằng những dấu ấn quan trọng qua các giai đoạn phát triển đất nước.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập còn non trẻ, lực lượng lao động của ngành đã trực tiếp thi công hàng trăm công trình lớn nhỏ như: Nhà máy thủy điện Lào Cai, Uông Bí, Thác Bà; các trường ĐH, bệnh viện, sân bay (Đa Phúc, Hòa Lạc, Gia Lâm, Cát Bi, Sao Vàng...);…

Sau 30/4/1975, nhiều công trình quan trọng đã được khởi công, hoàn thành đúng tiến độ, tiêu biểu như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại; Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn; Nhà máy super phốt phát Lâm Thao; Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Thời kỳ đầu đổi mới (1986- 1990), nhiều công trình như tổ máy số 3- 4 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; 4 tổ máy thủy điện Trị An; 2 tổ máy thủy điện Hòa Bình; dây chuyền xi măng Kiên Lương và các công trình phục vụ khai thác dầu khí... góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Bên cạnh, hàng triệu mét vuông nhà ở được XD; bộ mặt, cơ sở hạ tầng đô thị chuyển biến, đời sống người dân cải thiện đáng kể.

Từ 1991- 1996, các công trình trọng điểm và quan trọng của đất nước như: đường dây tải điện 500KV Bắc Nam, các nhà máy xi măng Hà Tiên, Apatit Lào Cai... được tập trung thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Năm 1996- 2000 là giai đoạn có nhiều chuyển biến về chất trong sự phát triển của ngành XD bởi nhiều cơ chế chính sách được tập trung soạn thảo; triển khai mạnh mẽ công tác quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển.

Nhiều tổng công ty, công ty tiềm lực mạnh đã được củng cố, thành lập, giúp tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Những công trình tiêu biểu giai đoạn này: Nhà máy điện Yaly; xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Hoàng Mai...

Từ năm 2001- 2010, ngành có những bước tiến đáng kể theo hướng hiện đại, cả trong lĩnh vực XD công trình, vật liệu XD, kiến trúc và quy hoạch XD, phát triển đô thị và nhà ở…

Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, ngành đã rà soát, XD, điều chỉnh các chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với từng lĩnh vực. Nhờ vậy, giá trị sản xuất liên tục tăng trưởng so năm 2007.

Cụ thể, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung XD đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77%, quy hoạch chi tiết khoảng 38% (tăng 13%); quy hoạch XD nông thôn đạt 99,4% (tăng 71,8%).

Bên cạnh, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,7%, cả nước có 813 đô thị (tăng 9,4%); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống tập trung đạt khoảng 84,5% (tăng 14,5%); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị khoảng 85,5%;

tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% (giảm 9%); diện tích bình quân nhà ở khoảng 23,4 m2 sàn/người (tăng 2,2 lần).

Tiếp tục phát huy truyền thống ngành XD

Ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh- chia sẻ: Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, ngành XD tỉnh hết sức khó khăn do nguồn lực kinh tế của tỉnh chưa đáp ứng, còn phải lo ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.

Hệ thống đô thị chưa được định hướng phát triển rõ nét. Theo đó, ngành XD Cửu Long đã tập trung duy trì và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp thiết.

Trong 15 năm hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long (1976- 1991), ngành đã đóng góp một lực lượng lớn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân XD, cùng với những công trình đi vào lịch sử như:

Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức (TP Trà Vinh- Trà Vinh); trụ sở làm việc Tỉnh ủy; nhà khách Tỉnh ủy; nâng cấp Nhà máy cấp nước Hưng Đạo Vương; Trường THPT Nguyễn Thông; Trường cấp III Kampong Speu- Campuchia (1987); Xí nghiệp sản xuất dịch truyền; Đài Phát thanh và Truyền hình; các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Nhìn chung, 42 năm qua, ngành luôn nỗ lực, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Trong đó, từ 2010- 2017, các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chủ yếu của ngành duy trì tăng trưởng hàng năm theo kế hoạch.

Công tác phát triển nhà ở có bước chuyển biến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 8 đô thị (1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 6 đô thị loại V); tỷ lệ đô thị hóa đạt 17% (tăng 1,7% so với năm 2010); diện tích bình quân nhà ở khoảng 23,1 m2 sàn/người (tăng 1,9 m2 sàn/người so năm 2010)…

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, ông Đoàn Thanh Bình khẳng định: Ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phấn đấu đạt và vượt mức các mục tiêu đã đề ra…

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- ghi nhận: các kết quả đạt được của tỉnh, có đóng góp đáng kể của ngành XD.

Cụ thể trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, nhà ở; kế hoạch phát triển vật liệu XD; Chương trình cụm- tuyến dân cư vùng ngập lũ; quy hoạch XD; Chương trình phát triển nông thôn mới; công tác quản lý đầu tư XD, quản lý chất lượng công trình…

Đồng thời, ông lưu ý ngành tập trung một số vấn đề trọng tâm trong thời gian tới như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư XD, đảm bảo chất lượng công trình; tăng cường công tác thanh kiểm tra chuyên ngành…

Trong đó, chú trọng phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững; hỗ trợ các địa phương về phát triển nhà ở xã hội; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh