Thủy sản Việt Nam phát triển trên ba trụ cột để vượt qua khó khăn

04:04, 09/04/2018

Mặc dù gặp nhiều bất lợi, nhưng nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) nên ngành thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan trong quý 1 năm 2018, tạo tiền đề cho các quý tiếp theo cũng như thực hiện các mục tiêu mà ngành đã đề ra trong năm 2018. 

Mặc dù gặp nhiều bất lợi, nhưng nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) nên ngành thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan trong quý 1 năm 2018, tạo tiền đề cho các quý tiếp theo cũng như thực hiện các mục tiêu mà ngành đã đề ra trong năm 2018. 

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương cần xây dựng các phương án phát triển ngành thủy sản dựa trên ba trụ cột.

Đó là khai thác theo chuỗi khép kín; tăng cường khâu chế biến sâu gắn với thị trường và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nuôi trồng hải sản. 

"Việc phát triển khai thác, bảo quản, chế biến, tiệu thụ sản phẩm hải sản cần phải xuất phát từ cái gốc của thị trường.

Muốn vậy cần phải nhận diện cho được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như nghiên cứu để chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Từ đó, tổ chức lại hoạt động khai thác ở cả 3 lớp bờ, lộng và khơi.

Đối với chế biến, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Đối với ứng dụng khoa học công nghệ cần rà soát cập nhật các tiến bộ mới nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản…" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 


Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản trong ba tháng đầu năm 2018 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2018, chiếm 50,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Đáng chú ý, các thị trường giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Hà Lan (49,7%), Thái Lan (35,3%), Trung Quốc (34,9%)... 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong tháng 3/2018, ngành thủy sản đã phải đối mặt với thách thức lớn trước phán quyết của Hoa Kỳ đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra.

Đây là một quyết định thiếu căn cứ của Hoa Kỳ gây bất lợi doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng và ngành thủy sản nói chung, bởi đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành mọi thủ tục đấu tranh thương mại với Hoa Kỳ về phán quyết này. 

Theo Tổng cục Thủy sản, trong quý 1, giá cá tra liên tục đạt mức cao và có xu hướng tăng, giá cá dao động ở mức 27.000-29.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán. Có nơi giá được đẩy lên từ 29.000-32.000 đồng/kg như tại An Giang.

Đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua, giúp người nuôi lãi cao, trung bình người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng/kg, khiến người nuôi quay lại đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, dù có giá cao nhưng việc tìm mua cá nguyên liệu với các doanh nghiệp vào thời điểm này không hề dễ. 

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn cung nên giá cá tra giống bị đẩy lên rất cao, 60.000 đồng/kg loại 30 con/kg. Việc thiếu nguồn cá giống sẽ dẫn đến thiếu cá nguyên liệu nên các doanh nghiệp không có vùng nuôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hàng trầm trọng. Giá cá tra cao cộng thêm thiếu hụt nguồn cung có thể khiến cho nhiều người nuôi quay trở lại nuôi ồ ạt trong khi chưa có đầu ra ổn định và “vòng luẩn quẩn” giá cả - thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cá tra giống lại bị thiếu hụt và ở mức giá cao. 

Đối với mặt hàng tôm, thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và giá cả tương đối ổn định. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đang phát triển.

Hiện phần lớn diện tích nuôi tôm còn trong giai đoạn cải tạo, nuôi nước, nhưng giá tôm giống đã tăng mạnh, dự báo giá tôm giống sẽ còn tiếp tục tăng khi các nơi vào vụ thả giống rộ. 

Tổng cục Thủy sản cũng dự báo, sản lượng tôm thế giới năm 2018 sẽ tăng cùng với đó là lượng tôm tồn kho các nước còn nhiều, nên giá tôm năm 2018 có thể sẽ không cao như năm 2017. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3/2018, thời tiết trên biển từ Bắc vào Nam thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Cụ thể, vùng biển từ Bắc Trung Bộ đến Nam Bộ được mùa khai thác tôm biển, cá cơm, cá khoai, cá chuồn, cá thu... so với những năm trước, sản lượng cá cơm đánh bắt trong một chuyến biển đạt cao hơn.

Đáng chú ý, nhiều địa phương trúng đậm tôm biển ngay trong mùa đánh bắt đầu năm, hứa hẹn một năm mới bội thu cho các tàu thuyền đánh bắt. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản quý 1 đạt 775.800 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, khai thác biển ước đạt 740.800 tấn, khai thác nội địa đạt 35.000 tấn. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ các vấn đề bất cập của ngành khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản hiện nay.

Đó là, nghề cá vẫn đang là nghề cá nhân dân, khai thác trên diện rộng chứ chưa phát triển theo chiều sâu; phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế. Việc phân loại, bảo quản sản phẩm chưa tốt; khâu quản lý còn nhiều bất cập…

Hiện nghề cá Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến hoạt động của ngư dân cho đến những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, tái cơ cấu ngành thủy sản… 

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để đạt được mục tiêu đề, thời gian tới ngành thuỷ sản đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực).

Triển khai các mô hình chứng nhận VietGAP gắn với nông thôn mới, nuôi thủy đặc sản có tính đặc trưng vùng miền, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. 

Đặc biệt, ngành thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển triển khai mạnh mẽ các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, ngư dân hiểu và thực hiện đánh bắt có trách nhiệm... 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Trong thời gian qua Việt Nam đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC); từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, một nghề cá có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế...". 

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, hiện tại, phía EC đã đồng ý cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới sẽ cử đoàn làm việc sang Việt Nam để đánh giá thực tế, sau đó xem xét có rút “thẻ vàng” cho Việt Nam hay không. 

“Việt Nam hài lòng với những tiến bộ đạt được trong quá trình phấn đấu khắc phục những khuyến nghị của EC thời gian qua.

Đây không phải là các giải pháp mang tính chất đối phó mà Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực để đảm bảo xây dựng một nghề cá bền vững trong tương lai” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh