Sáng 22/4 (giờ địa phương), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã khai mạc tại thành phố Toronto của Canada với chủ đề "Xây dựng một thế giới an ninh và hòa bình hơn."
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa) tham gia một phiên thảo luận trong khuôn khổ hội nghị G7. (Nguồn: Canadian Press) |
Sáng 22/4 (giờ địa phương), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã khai mạc tại thành phố Toronto của Canada với chủ đề “Xây dựng một thế giới an ninh và hòa bình hơn."
Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của các ngoại trưởng và bộ trưởng an ninh các nước G7, cùng nhiều nước đối tác và khách mời.
Trong 3 ngày hội nghị, các đại biểu sẽ tham dự 13 phiên thảo luận nhóm, chia thành các chủ đề khác nhau.
Cụ thể, trong hai ngày 22-23/4, cuộc họp của các ngoại trưởng sẽ diễn ra với 9 phiên thảo luận về Nga và Ukraine, Trung Quốc và an ninh hàng hải, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Myanmar, Venezuela, các điểm nóng tại Trung Đông, ngăn chặn xung đột, hỗ trợ các nỗ lực cải cách và hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh mạng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan.
Tiếp đó, ngày 24/4 sẽ diễn ra 4 phiên thảo luận của các bộ trưởng an ninh về môi trường an ninh, kiểm soát các thách thức an ninh nội địa, an ninh mạng và ngăn chặn khủng bố bằng Internet.
Về triển vọng đạt được tại hội nghị lần này, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Viện nghiên cứu Munk thuộc Đại học Toronto nhấn mạnh với chương trình nghị sự bao quát và các bộ trưởng có tới 3 ngày để thảo luận, đây là một hội nghị rất quan trọng và có thể đạt được một số thành công.
Tất nhiên, các đại biểu sẽ khó đạt được nhất trí trong tất cả các vấn đề, nhưng có thể sẽ có một vài tín hiệu tích cực trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên với triển vọng không chỉ đảo ngược chương trình vũ khí hạt nhân nhằm đưa nước này hội nhập với cộng đồng quốc tế, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vì cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Đây là hội nghị cấp bộ trưởng thứ 2 của nhóm G7 trong năm nay do Canada làm chủ tịch luân phiên và được coi là một trong những hội nghị bộ trưởng quan trọng nhất trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Quebec trong hai ngày 8-9/6.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến mới, đặc biệt là quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây, các bước tiến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và an ninh mạng.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin