Đây là cơ hội, điều kiện để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa các địa phương khu vực ĐBSCL với các cơ quan, đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản- khu vực ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, do Bộ Ngoại giao, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản và các Cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Việt Nam- Nhật Bản.
Đây là cơ hội, điều kiện để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa các địa phương khu vực ĐBSCL với các cơ quan, đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với đoàn Nhật Bản, tại hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản- khu vực ĐBSCL”. |
Nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Tấn Sang- nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam- đánh giá cao quan hệ Việt Nam- Nhật Bản thời gian qua.
Đồng thời, bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” Việt Nam- Nhật Bản mà cá nhân Chủ tịch nước và Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố cách đây 4 năm đang ngày càng đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, đang lan tỏa mạnh mẽ từ cấp Trung ương tới các địa phương 2 nước.
Nguyên Chủ tịch nước khẳng định, Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL, nhưng cũng rất lo ngại trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu đối với khu vực này.
Để khai thác một cách hiệu quả hơn nữa lợi thế của mình, có các đối sách phù hợp với biến đối khí hậu, bên cạnh những nỗ lực của mình, Việt Nam rất mong muốn có sự hợp tác và học hỏi với bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó đặc biệt Nhật Bản là người bạn thân thiết và đối tác quan trọng nhất của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt- Nhật, quan hệ giữa các địa phương ĐBSCL với Nhật Bản trong những năm qua cũng có những bước tiến hết sức đáng khích lệ.
Tuy nhiên, hợp tác hiện nay vẫn chưa tương xứng tiềm năng của cả đôi bên và còn rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực: hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hợp tác về mặt nhân lực và ứng phó biến đổi khí hậu…
Ông Bùi Thanh Sơn- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam- cho biết: Nhật Bản hiện là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về viện trợ ODA, thứ hai về đầu tư trực tiếp FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư về trao đổi thương mại của Việt Nam.
Hiện có hơn 230.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Biểu tượng và là đỉnh cao cho quan hệ hợp tác tốt đẹp ấy là chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đầu năm 2017.
Hợp tác cấp độ địa phương 2 bên cũng đang phát triển mạnh mẽ với 35 cặp hợp tác giữa các tỉnh- thành của 2 nước.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn chủ động, tích cực đồng hành, hỗ trợ các địa phương Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao lưu với các địa phương và đối tác Nhật Bản, nhất là qua các chương trình, dự án thiết thực như hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được tổ chức định kỳ, lần lượt tại các vùng miền trên cả nước.
Kỳ vọng từ cuộc gặp gỡ
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam- Umeda Kunio nhận định quan hệ Việt Nam- Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong năm 2017, giữa Việt Nam- Nhật Bản có 14 ký kết, trong đó có 6 ký kết giữa Nhật Bản và ĐBSCL.
Không chỉ vậy, số thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã vượt qua một số quốc gia trong cùng khu vực, như Thái Lan, vượt lên đứng số 1 Đông Nam Á.
“Tại hội nghị này, các đặc trưng, thế mạnh của địa phương đã được giới thiệu để chúng tôi hiểu hơn về khu vực này từ đó xây dựng chiến lược hợp tác trong tương lai. Thông qua các cuộc hội đàm, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, ngày càng nhiều người Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm du lịch”- ngài Umeda Kunio nói.
Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh- thành tại Việt Nam, tại khu vực ĐBSCL doanh nghiệp Nhật Bản còn khiêm tốn. Do vậy, hội nghị gặp gỡ được kỳ vọng sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư Nhật Bản hiểu hơn và thúc đẩy hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản ở ĐBSCL. |
Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long- tham gia phiên thảo luận thứ 2 trong thành phần diễn giả, về hợp tác địa phương trong lĩnh vực giao lưu văn hóa- du lịch và GD- ĐT- hợp tác nguồn nhân lực.
Theo đó, Vĩnh Long có ưu thế nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo và hệ thống các trường nghề, ĐH được doanh nghiệp đánh giá cao. Thời gian qua, Vĩnh Long đã thực hiện liên kết với một số trường ĐH của Nhật Bản trong đào tạo, đưa thực tập sinh sang Nhật Bản nhưng số lượng còn ít so với nguyện vọng của người dân.
Vĩnh Long còn gặp khó trong việc đưa du học sinh qua Nhật Bản do thiếu giảng viên dạy tiếng Nhật, thông tin các chương trình đào tạo hạn chế…
Vì thế, ông Phạm Văn Hồng cho biết, Vĩnh Long muốn hợp tác giữa các trường nghề, ĐH của tỉnh và của Nhật Bản được tăng cường hơn và đi vào chiều sâu.
Ông Asazuma Shinichi- Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản- cho biết: “Thời gian qua giữa các địa phương Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều hình thức hợp tác với nhau và chúng tôi cam kết hỗ trợ hết mình cho sự hợp tác”.
Theo ông Asazuma Shinichi, hợp tác giữa các địa phương là trụ cột lớn trong phát triển của 2 nước, hiện đã có 53 thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương 2 nước và sự hợp tác này sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Trong đó, nhiều thỏa thuận hợp tác địa phương giữa Nhật Bản và khu vực ĐBSCL đã được thực hiện như với TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang… Từ năm 2017 đến nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đã đến ĐBSCL và ngược lại, nhiều đoàn địa phương của ĐBSCL cũng đến Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác…
Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực phát huy vai trò để thúc đẩy quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của các địa phương Việt Nam nói riêng.
Hợp tác kinh tế và văn hóa như 2 bánh xe song song, bởi một khi đã hiểu về văn hóa của đất nước, con người là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế.
Với quan điểm này, ông Ando Toshiki- Giám đốc Japan Foundation- Nhật Bản cho biết, một trong những hoạt động phía Nhật Bản rất muốn triển khai đó chính là giới thiệu điện ảnh của Nhật đến người dân khu vực ĐBSCL.
Nhật Bản đang tiến hành điều tra số lượng cơ sở dạy tiếng Nhật tại ĐBSCL, từ đó sẽ triển khai hợp tác cùng các địa phương vùng ĐBSCL mở các cơ sở dạy tiếng Nhật.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin