Kỳ cuối: Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

02:03, 09/03/2018

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của NN nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giảm dần vai trò tham gia trực tiếp của NN vào sản xuất, kinh doanh. 

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của NN nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giảm dần vai trò tham gia trực tiếp của NN vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, rất cần có cơ chế, chính sách cũng như “rào cản” pháp luật phù hợp để tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững.

Tiến trình đổi mới, cổ phần hóa tại các DNNN đã được tỉnh quan tâm thực hiện đúng lộ trình.
Tiến trình đổi mới, cổ phần hóa tại các DNNN đã được tỉnh quan tâm thực hiện đúng lộ trình.

Chủ trương phù hợp nhưng...

Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản NN tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011- 2016” trên địa bàn tỉnh, ông Lưu Thành Công- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- nhận định: Vĩnh Long đã làm rất tốt vấn đề này, các sở ngành liên quan đã nghiên cứu các văn bản, tham mưu UBND tỉnh thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình.

Sau khi cổ phần hóa, các DN hoạt động rất tốt, hiệu quả năm sau cao hơn năm trước, hầu hết đều chú trọng quản trị DN, cơ cấu lại sản xuất và đội ngũ lao động để tăng năng suất. Đời sống cán bộ, công chức và người lao động cũng rất được quan tâm- đây là chủ trương hết sức phù hợp với thực tiễn và được cử tri đồng tình.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu thêm, đó là các văn bản quy định của NN trước đây quá nhiều (chỉ mới đây được tích hợp qua nghị định) gây khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện phải nghiên cứu nhiều văn bản chồng chéo với nhau.

Khi cổ phần hóa xong thì các DN chuyển vốn về Tổng Công ty Quản lý tài sản NN.

Khi tổng công ty thoái vốn hết thì những nhân sự- từ bên NN chuyển qua làm đại diện vốn- cũng hết sức tâm tư vì đại hội cổ đông xong, có người được giữ lại với các chức vụ trong hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc công ty, nhưng cũng có người không được “sử dụng lại” thì không biết đi đâu.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ cần nghiên cứu để giải quyết vấn đề nhân sự”- ông Lưu Thành Công đề xuất.

Ngoài ra, tất cả số tiền thoái vốn (bán cổ phần) phải nộp hết về cấp Trung ương. Nhiều đơn vị mong muốn có thể để lại địa phương khoản tiền nào đó vì tất cả những công ty này đã được địa phương đầu tư, hỗ trợ rất nhiều trong thời gian qua.

Ông Đào Thanh Liêm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết thêm, công việc xử lý rác thải hiện do công ty đảm nhận, đây cũng là trách nhiệm được UBND tỉnh giao (tuy có đơn vị đầu tư nhà máy xử lý rác thải hơn 5 năm qua nhưng chưa phát huy hiệu quả và hiện đã ngưng hoạt động).

Tất cả các lượng rác thải của thành phố và các huyện (trừ huyện Trà Ôn) đều tập trung về bãi rác Hòa Phú (250 tấn rác/ngày), khả năng đến cuối năm nay sẽ đầy và vượt công suất thiết kế khoảng 25%.

Việc đầu tư bãi chôn lấp rác mới là cần thiết và gấp rút, nhưng nguồn lực công ty còn hạn chế, vì nguồn quỹ đầu tư và phát triển cùng các khoản lợi nhuận còn lại đã nộp về Tổng Công ty Quản lý và kinh doanh vốn NN khi cổ phần hóa.

Cần ban hành luật về cổ phần hóa DN

Hiện, vốn NN tại Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long chiếm 81,41% vốn điều lệ, nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó, “cần thực hiện cơ chế đặt hàng trên cơ sở khối lượng đã được xác định và đơn giá được UBND tỉnh phê duyệt”- ông Đào Thanh Liêm kiến nghị.

Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho công ty chủ động hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động đã gắn bó lâu dài với công ty, đồng thời giúp ban điều hành thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong việc phát triển vốn và bảo toàn phần vốn của NN.

Bên cạnh, cần điều chỉnh giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý rác vì mức giá hiện nay quá lạc hậu, không đủ bù đắp nguồn thu cho ngân sách NN chi cho hoạt động vệ sinh môi trường.

Đồng thời, cần bố trí thêm kinh phí cho việc duy tu, sửa chữa thường xuyên cho các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực chôn lấp rác thải của bãi rác Hòa Phú; xem xét đầu tư bãi chôn lấp rác mới bằng vốn ngân sách NN nhằm đảm bảo kịp thời tiếp nhận rác vào năm 2019.

Từ năm 2010, tỉnh đã tiến hành xong việc sắp xếp đổi mới DNNN. Theo đó, đã chuyển về Trung ương quản lý: 1 DN, hợp nhất: 2 DN, chuyển sang đơn vị sự nghiệp: 1 DN, giải thể: 2 DN, cổ phần hóa: 13 DN, giữ nguyên chuyển sang công ty TNHH 1TV 100% vốn NN: 3 DN. Giai đoạn 2014- 2015, đã tiến hành cổ phần hóa 2 DNNN (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long và Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long). Riêng Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết giữ nguyên 100% vốn NN.

Song, cần sớm điều chỉnh đơn giá dịch vụ công ích đô thị tỉnh theo mức lương tối thiểu vùng và các nguyên liệu đầu vào theo giá thị trường để công ty tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào theo thời giá, góp phần cải thiện lợi nhuận công ty, trích quỹ đầu tư công ty để mua sắm trang thiết bị chuyên ngành phục vụ lại cho công tác vệ sinh môi trường.

Theo ông Võ Quốc Thanh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, NN cần ban hành luật về cổ phần hóa DNNN nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ, góp phần ngăn ngừa thất thoát tài sản của NN trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

Cụ thể, cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích.

DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu đảm bảo an sinh xã hội, những địa bàn trọng quan trọng và quốc phòng- an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

“Các cơ quan chức năng theo thẩm quyền cần tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo công khai, minh bạch về đầu tư, tài chính và các hoạt động của DNNN”- ông Võ Quốc Thanh đề xuất.

 

Ông Lưu Thành Công- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long

Đoàn sẽ có kiến nghị xác đáng với Trung ương và địa phương nhằm hỗ trợ các công ty phục vụ nhiệm vụ chính trị, gỡ khó về vốn đầu tư, có chính sách ưu đãi về thuế; hỗ trợ về quản trị DN, mở rộng ngành nghề kinh doanh, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ để đem lại hiệu quả cao nhất; đồng thời, có những chính sách hỗ trợ đặc thù để DN phát triển nhanh hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, từ đó đóng góp nhiều hơn cho tỉnh.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh