Sau 8 năm triển khai, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến lòng tin vào hàng Việt Nam của người tiêu dùng (NTD) ngày càng lớn dần.
Sau 8 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến lòng tin vào hàng Việt Nam của người tiêu dùng (NTD) ngày càng lớn dần.
Song, không vì vậy mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam tự hài lòng, họ vẫn đang tiếp tục phát huy để tỏa sáng hơn và để lòng tin vào hàng Việt Nam luôn vững bền trong lòng người Việt.
Người dân tin tưởng- DN mặn mà
Chọn hàng “made in Viet Nam” đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của rất nhiều người dân hiện nay, nhất là ở vùng nông thôn.
Bởi so với nhiều năm trước, hàng Việt Nam nay đã “thay da đổi thịt” hơn, biết làm mới mình hơn, không chỉ “tốt gỗ mà còn tốt nước sơn”.
Và con số trên 80% người dân sử dụng hàng Việt Nam trong năm qua đã cho thấy ý thức dùng hàng Việt Nam nay đã khác xưa nhiều.
Bằng chứng là qua các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, sức tiêu thụ hàng Việt Nam tăng rõ rệt. Nhận thức của NTD trong mua sắm hàng Việt Nam ngày càng nâng lên.
Nhiều người dân chia sẻ: Nhân viên bán hàng vui vẻ, nhiệt tình, lại có sản phẩm dùng thử, giá bán vừa túi tiền, nên có phiên chợ về là đi liền.
Cô Lê Thúy Giang (xã Song Phú- Tam Bình) cho hay: “Tôi thấy hàng Việt Nam đã cải tiến nhiều, đẹp hơn, bền hơn, có địa chỉ rõ ràng giá cả cũng phải chăng. Trong nhà tôi có gần 90% là đồ dùng của Việt Nam”.
Bên cạnh ý thức của người dân được nâng lên thì DN cũng đã có những bước tiến để hàng Việt Nam ngày càng được tin yêu.
Theo ông Nguyễn Văn Bé Tư- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực BCĐ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện nay các DN đã mặn mà hơn khi tham gia các phiên chợ, hội chợ, mạnh dạn đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam.
Người dân nông thôn ngày càng chuộng hàng Việt Nam. |
Không ít DN, cơ sở sản xuất thừa nhận, các phiên chợ, hội chợ là kênh bán hàng chính và là kênh quảng bá sản phẩm hữu hiệu nhất, giúp DN tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường.
Như cơ sở sản xuất nước rửa chén Chín Rồng (Phường 5- TP Vĩnh Long) luôn gắn chặt với các phiên chợ về nông thôn.
Chị Phan Kim Hoàn- chủ cơ sở- chia sẻ: “Tham gia các phiên chợ, hội chợ đem hàng bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Cũng chính nhờ đó, mà cơ sở tôi có chỗ đứng và thị trường được mở rộng như hôm nay. Hiện nay, cạnh tranh ngày càng gay gắt nên bên cạnh giữ thị trường nông thôn truyền thống, cơ sở cũng đang tìm cách xâm nhập thị trường cao cấp hơn để không bị tuột lại phía sau”.
Đồng quan điểm, nên chị Lê Thị Cẩm Duyên- đại diện Cơ sở sản xuất nước mắm Hòa Hiệp (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng đang nghiên cứu tạo dòng sản phẩm cao cấp để phân khúc thị trường đa dạng hơn.
Chị Duyên cho hay: “Có thị trường vững ở nông thôn rồi phải nỗ lực hơn, tạo dấu ấn riêng với NTD về chất lượng và uy tín. Có như vậy mới trụ vững trên sân nhà.
Thời gian tới, tôi dự định bán và giao nước mắm tận nhà, một chai cũng giao. Mình phải chủ động đem sản phẩm chất lượng đến tay NTD”.
Chung tay giữ chỗ đứng cho hàng Việt Nam trên sân nhà
Có thể thấy, để hàng Việt Nam có sức lan tỏa như hiện nay, thời gian qua, các cấp các ngành đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng Việt Nam, qua đó thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại cũng đã có sự chuyển biến hơn về quy mô, hiệu quả. Hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn đã được chủ động, cải tiến mang tính chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của DN.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hơn để đứng vững và hội nhập. |
Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Sở đã phối hợp tổ chức hội chợ, các phiên chợ để đưa hàng Việt Nam về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tạo điều kiện để các DN gặp gỡ giao thương, nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, tạo lòng tin cho NTD đối với hàng Việt Nam.
Tích cực, chủ động, cải thiện về chất lượng lẫn mẫu mã là những nỗ lực lớn của DN Việt Nam hiện nay để tồn tại và hội nhập.
Song, hàng Việt Nam cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn. Bởi vài năm trở lại đây, hàng ngoại đang ồ ạt xâm nhập, gây sức ép không nhỏ đến hàng Việt Nam.
Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất, DN còn chưa nhận thức rõ được sức ép của hàng ngoại trong quá trình hội nhập, chưa quan tâm việc tự nâng tầm để có thể đứng vững trên thị trường.
Có thể thấy rằng, để hàng Việt Nam chinh phục NTD Việt Nam và để DN đứng vững trên chính sân nhà, bên cạnh việc tạo- giữ uy tín, DN cần phải biết tự làm mới mình, nâng về chất lẫn mẫu mã, phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người dân.
DN phải chứng minh rằng: “Sản phẩm xứng đáng để NTD tin tưởng, an tâm sử dụng”, chứ không phải NTD sử dụng chỉ vì hưởng ứng theo cuộc vận động. Song song đó, ngành chức năng cũng kiểm tra, kiểm soát thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cho các DN Việt Nam hiện nay.
Trước cơn lốc hàng ngoại, môi trường cạnh tranh gay gắt, đừng để hàng Việt Nam “bị nguội” ở sân nhà. Hãy làm cho tình yêu hàng Việt Nam luôn cháy trong lòng người Việt Nam! Đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm không của riêng ai.
Năm 2017, BCĐ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã tổ chức tuyên truyền hơn 5.000 cuộc với hơn 230.000 lượt người dự. Phối hợp tổ chức, hỗ trợ DN tham gia nhiều hội chợ thương mại triển lãm và phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam được bày bán ngày càng nhiều tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống, qua đó, đã tạo sự quan tâm cho người tiêu dùng với các loại hàng hóa thương hiệu Việt Nam. |
Bài, ảnh: THẢO LY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin