Có xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ cùng rẽ vào con đường ẩm thực để phát triển sự nghiệp. Câu chuyện của Thiện tương hột, Khôi rau sạch, Khoa ếch… gợi mở cảm hứng cho những ai muốn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Có xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ cùng rẽ vào con đường ẩm thực để phát triển sự nghiệp. Câu chuyện của Thiện tương hột, Khôi rau sạch, Khoa ếch… gợi mở cảm hứng cho những ai muốn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Vợ chồng Anh Khôi- Cẩm Tú cùng chung chí hướng bỏ nghề lương hàng chục triệu về quê trồng rau sạch. |
Rẽ lối chưa ai đi
Từng là kỹ sư công nghệ thông tin làm việc ở TP Hồ Chí Minh, qua bạn bè ở nước ngoài nắm bắt triển vọng nuôi ếch thương phẩm, anh Nguyễn Thế Khoa (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) đã mạnh dạn nhập về 5.000 con ếch giống Thái Lan để… nuôi thử.
Từ đó, tuyển chọn 300 cặp ếch bố mẹ, nhiều đợt lên giống thất bại do bị đồng huyết nên trứng không nở, ếch con khó nuôi. Anh Khoa mới “chạy thầy” ở ĐH Cần Thơ, tìm mọi cách cho ếch đồng địa phương phối giống với ếch Thái Lan, nhưng chúng “không chịu bắt cặp, chỉ trốn chạy”.
Cuối cùng anh Khoa mới “chế” ra cái hồ cho ếch tự nhảy vô mà không ra được, làm mưa nhân tạo, mở băng tiếng ếch kêu… chúng mới chịu “bắt cặp không buông” và tạo ra được lứa F1.
Anh Khoa nhớ lại: “Bắt đầu từ năm 2003, đến năm 2005, tôi có giống ếch thuần sinh trưởng, đẻ tốt. Tôi là một trong những người lai tạo giống ếch này đầu tiên ở miền Tây và năm 2007 được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc”.
Từ đây, anh Khoa bỏ việc ở TP Hồ Chí Minh về quê chuyên tâm nuôi ếch. Khi phong trào nuôi ếch Thái phát triển rầm rộ, anh dần chuyển hướng tiêu thụ ếch thương phẩm, rồi mở quán kinh doanh các món ăn chế biến từ ếch.
Đến nay, anh đã tự tin với thương hiệu “Khoa ếch”, liên kết hơn 40 trang trại ếch, xây dựng quy trình nuôi an toàn, tạo chuỗi sản xuất từ con giống, kỹ thuật đến tiêu thụ...
Cũng chọn lối rẽ táo bạo, anh Ngô Hữu Anh Khôi- Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nguyên Khang Vĩnh Long, đã từ bỏ chức giám đốc một công ty lớn mức lương hàng chục triệu đồng.
Mong muốn cho người tiêu dùng có bữa ăn an toàn, Anh Khôi (kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm) nắm tay vợ là chị Dương Thùy Cẩm Tú (kỹ sư ngành chế biến và bảo quản nông sản) về quê trồng rau sạch thủy canh tại Vĩnh Long (ấp Phước Trinh A, xã Bình Phước- Mang Thít).
Tuy có kiến thức nông học nhưng trồng rau sạch cũng rất nhiều khó khăn liên quan đến kỹ thuật và cả các thủ tục chứng nhận an toàn cũng “hổng rành lắm”. Khó nữa là trồng rau rồi xách cọng rau đến từng nơi giới thiệu, giải thích… cho người ta tin, mua hàng.
Với 1.000m2 đầu tư hơn 1 tỷ đồng là chi phí không hề nhỏ, Anh Khôi cho rằng đó là quyết định mạo hiểm, nhưng rất đúng đắn.
Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng anh Nguyễn Chí Thiện- chủ Cơ sở sản xuất Tương hột Phước Khang (TP Vĩnh Long) lại rẽ hướng sản xuất tương hột.
Bởi đối với anh “tương là món ăn truyền thống, nhà tui làm tương gia truyền 3 đời rồi” và anh muốn làm mới món tương. Vậy là năm 2005, anh đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, đặc biệt chú trọng nguồn nguyên liệu an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Bước đầu tiên, anh Thiện chuyển sử dụng đường phèn thay đường mật.
“Đường phèn làm tương ngon hơn, thơm hơn, nhưng giá thành cũng đội lên. Phải mất 3 năm trời siêng đi tiếp thị, hội chợ mời dùng thử… người tiêu dùng mới dần chấp nhận”- anh Thiện chia sẻ.
Sản phẩm đùi ếch xá xíu, bánh tráng ếch của anh Khoa ếch.
|
Phải mạo hiểm một chút
Bất kỳ bước thay đổi nào cũng cần có thời gian để kiểm chứng. “Vượt qua được cái khó thì sẽ đứng rất vững vàng”, nghĩ vậy anh Thiện tìm cách xâm nhập thị trường khó tính và chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình.
Đối với anh Thiện, trên con đường kinh doanh, không được giậm chân tại chỗ mà phải luôn tìm tòi, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, cải tiến đầu tư kỹ thuật công nghệ sản xuất mới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, thương hiệu Tương Phước Khang “made in Vĩnh Long” không chỉ giữ được thị trường chợ truyền thống, thâm nhập các kênh bán hàng cao cấp, cửa hàng thực phẩm an toàn; mà “các thị trường sản xuất tương nổi tiếng như ở Gò Công (Tiền Giang), tôi cũng đã chen chân được và người tiêu dùng rất ưa chuộng”- Thiện tương hột bảo “chinh phục được thị trường khó càng có thêm động lực để tiếp tục các bước khác”.
Mở một con đường không khó mà quan trọng phải xác định hướng đi đúng. “Các nước tiên tiến đã trồng rau theo hướng an toàn, người tiêu dùng dần chuyển sang dùng thực phẩm sạch, nên mình phải đón đầu xu hướng đó”- theo Anh Khôi, xác định đúng mục tiêu, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, có người vợ đồng hành và người thân ủng hộ… là những yếu tố giúp anh mạnh dạn làm rau sạch và tự tin sẽ có đầu ra.
Tín hiệu tốt từ thị trường khi rau của Anh Khôi được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt, giá cả hợp lý và đặc biệt an tâm chất lượng, rau tươi lâu hơn rau mua từ Đà Lạt vì không mất nhiều thời gian vận chuyển.
Điều đó cho thấy nông nghiệp vẫn là “mảnh đất màu mỡ” và thị trường luôn ủng hộ những cách làm hay, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ nhu cầu thực tế, Khoa ếch thiết kế thực đơn các món ếch: ếch nướng y, ếch quay, rang muối, chiên nước mắm, ếch xé phay…
Bên cạnh đó còn có dòng sản phẩm đùi ếch của Khoa ếch xuất khẩu ủy thác khoảng 30 tấn/tháng. Khi bạn bè là các bếp trưởng ở TP Hồ Chí Minh đề nghị “thực khách thích ăn món dân dã miền Tây”, Khoa ếch nói “dễ ẹt” và bắt tay làm khô đùi ếch, đùi ếch tươi, xá xíu đùi ếch, bánh tráng đùi ếch… đóng gói với đầy đủ thông tin sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hạn dùng.
Đặc biệt, chà bông đùi ếch 700.000- 800.000 đ/kg, ếch bố mẹ già thịt cực ngon, cao giá… “đánh” vào giới thượng lưu, tuy số lượng chưa nhiều nhưng thị trường đã “chịu ăn”.
“Món ăn từ ếch rất nhiều dinh dưỡng. Tôi muốn làm dòng sản phẩm đặc sản của Vĩnh Long từ con ếch. Tới đây, người tiêu dùng Vĩnh Long sẽ mua được sản phẩm ếch ở các cửa hàng uy tín và thưởng thức các món ngon từ ếch tại TP Vĩnh Long”- Khoa ếch cho biết đang triển khai mở quầy hàng chuyên phục vụ các món ếch góp phần làm phong phú ẩm thực của Vĩnh Long.
Bắt đầu làm việc gì cũng phải biết nắm bắt cơ hội, khi đã bắt tay làm phải theo tới cùng. Tôi bắt đầu nuôi ếch rất gian truân. Bán giống cho nông dân nuôi. Lúc đầu, ếch thịt đâu ai mua, phải xách chào hàng từng sạp chợ đầu mối, không có đồng lời, chỉ cần người ta chịu mua là “ok”. Riết tôi thành lái ếch và gắn tên mình theo nó luôn, thành ra có danh Khoa ếch.
Anh Ngô Hữu Anh Khôi Tôi dự định mở rộng nhà trồng rau và tiếp tục cải tiến để giảm 1/3 giá thành. Mục tiêu trong 2 năm tới, tôi sẽ giành được thị phần cung cấp rau sạch ở khu vực miền Tây. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin