Xuất khẩu gạo năm 2017: Dấu hiệu "tỉnh giấc"

10:12, 20/12/2017

 Những tháng đầu năm 2017, tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa. Thế nhưng những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo đã tăng trưởng khá. Nhờ đó, hạt gạo Việt đã thoát khỏi chuỗi sụt giảm liên tiếp 4 năm qua, kim ngạch tăng trưởng khá.

Nông dân Vĩnh Long phơi lúa.
Nông dân Vĩnh Long phơi lúa.

 

 

Suốt 4 năm qua (2013-2016), xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục sụt giảm sau khi thiết lập kỷ lục vào năm 2012 khi xuất khẩu gạo đạt khoảng 7,8-8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD.

Những tháng đầu năm 2017, tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa. Thế nhưng những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo đã tăng trưởng khá. Nhờ đó, hạt gạo Việt đã thoát khỏi chuỗi sụt giảm liên tiếp 4 năm qua, kim ngạch tăng trưởng khá.

Tin vui cho hạt gạo

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp- PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 11 đạt 389 ngàn tấn, trị giá 192 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo từ đầu năm 2017 đến nay đạt 5,49 triệu tấn, tổng giá trị đạt 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Đây là một tin vui với ngành xuất khẩu mặt hàng lúa gạo lẫn người nông dân của chúng ta luôn cần cù, chăm chỉ “một nắng, hai sương” làm ra những “hạt ngọc của đất trời”.

Diễn biến về thị trường và kim ngạch xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2017 đã gây bất ngờ với nhận định của một số chuyên gia về kinh tế hồi đầu năm với các cụm từ: khó khăn, cạnh tranh gay gắt, gạo tồn kho của Thái Lan...

Không vui sao được, khi những số liệu này đã chấm dứt thời kỳ ảm đạm của xuất khẩu gạo suốt 4 năm qua- một trong những mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Xin lấy một ví dụ để minh chứng điều này, năm 2016, xuất khẩu gạo chỉ đạt 4,836 triệu tấn, trị giá đạt 2,172 tỷ USD.

Cũng là năm mặt hàng gạo bị mặt hàng rau và trái cây- mặt hàng xuất khẩu phụ “vượt mặt” khi cán mốc kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Tiếp đó xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2017 vẫn hứng chịu không khí ảm đạm khi chỉ đạt 787.235 tấn, trị giá 328,183 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu năm 2016 cũng chỉ bình quân đạt 435,23 USD/tấn, trong khi đó giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2017 đạt 448,6 USD/tấn. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất chiếm tới 39,8% thị phần.

Tổng lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2017 đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 909,04 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Do xuất khẩu tăng, giá lúa ở các tỉnh khu vực ĐBSCL luôn ở mức cao, từ 5.300- 6.500 đ/kg (tùy loại), riêng lúa Jasmine (lúa thơm, lúa chất lượng cao) đạt 6.900 đ/kg.

Do thời tiết thiên tai (bão số 10, bão số 11), kết hợp bệnh lùn sọc đen xuất hiện đúng thời điểm lúa mùa sinh trưởng đã ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng lúa ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt và vùng Đồng bằng sông Hồng khi chỉ đạt 47 tạ/ha (giảm 3 tạ/ha), sản lượng chỉ đạt 5,23 triệu tấn (giảm 527 ngàn tấn).

Tổng diện tích gieo trồng lúa mùa cả nước năm 2017 là 1,7772 triệu hécta (giảm 6,7 ngàn hécta so với 2016), năng suất đạt bình quân 46,4 tạ/ha (giảm 1,4 tạ/ha), sản lượng 8,184 triệu tấn, giảm 327,3 ngàn tấn.

Mặc dù, năng suất lẫn sản lượng sụt giảm nhẹ nhưng xuất khẩu gạo tăng mạnh những tháng cuối năm, đẩy giá thu múa lúa nguyên liệu tăng nên lợi nhuận của nông dân vẫn tăng khá so với năm 2016.

Nâng tầm cho gạo Việt

Suốt 4 năm qua, xuất khẩu sụt giảm liên tiếp chính là cơ hội để ngành nông nghiệp và người trồng lúa những bài học quý để nhìn nhận đánh giá những điểm mạnh lẫn những “gót chân asin” của hạt gạo Việt: chất lượng, thương hiệu, đặc biệt là vấn đề dự báo thị trường...

Để từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giúp hạt gạo Việt thoát cảnh bấp bênh, được mùa rớt giá, “xuất” nhiều “thu” ít, chỉ chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa coi trọng chất lượng, trong đó có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Và cũng từ khi xuất khẩu gạo gặp khó từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ thực hiện việc chuyển đổi 500.000ha trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây khác hiệu quả kinh tế hơn.

Động thái này không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây khác đem lại hiệu quả kinh tế hơn, giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần “giảm áp” cho xuất khẩu.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng triển khai các biện pháp “dài hơi”, căn cơ, bài bản hơn cho lúa gạo: giống, chất lượng lúa gạo, xây dựng quy chuẩn các loại gạo, lô gạo Việt, thương hiệu gạo Việt,…

Về xu hướng thị trường trong thời gian tới theo kỹ sư Hồ Quang Cua- Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, tác giả của giống lúa thơm ST nổi tiếng- nhận định: Đối với thị trường cao cấp, gạo thơm Việt sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ: Thái Lan, Pakistan, Campuchia.

Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường trung cao, gạo thơm Việt Nam hiện có ít đối thủ cạnh tranh nên còn nhiều cơ hội để phát triển (gạo thơm xuất khẩu cao phân khúc trung cao hiện có giá xuất khẩu 600- 650 USD/tấn).

Lý giải về nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo tăng trưởng trở lại sau hơn 4 năm sụt giảm, TS. Lê Văn Bảnh- nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nguyên Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho hay: Những năm trước đây, Thái Lan tồn trữ lúa gạo lớn, việc tồn trữ này của Thái Lan đã tác động không nhỏ tới thị trường xuất khẩu gạo của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo lại nghe ngóng để quyết định nhập khẩu gạo với giá tốt nhất. Gần đây, lượng gạo tồn kho của Thái Lan đã giảm mạnh sau các đợt đẩy mạnh bán ra thị trường.

Nhờ đó, áp lực lên thị trường xuất khẩu giảm, gạo Việt Nam đã tiêu thụ tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp- PTNT, Bộ Công thương, doanh nghiệp đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại về nông sản, từ đó đã tác động tích cực tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Philippines- một trong những thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã nhập khẩu trở lại.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017, 22 doanh nghiệp Việt Nam đã được Trung Quốc công nhận đạt tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu gạo chính ngạch vào Trung Quốc. Chính những yếu tố này đã giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Để hạt gạo Việt phát triển bền vững, gia tăng giá trị, TS. Lê Văn Bảnh cho rằng: Nông dân cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp theo mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn (chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo); trong đó phải chú trọng từ khâu giống, sản xuất, chế biến được các yêu cầu khắt khe của các thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất.

Đặc biệt cần quan tâm tới nâng cao chất lượng gạo hơn là chỉ quan tâm tới sản lượng, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Như vậy, hạt gạo Việt mới gia tăng được giá trị và phát triển bền vững

Theo Quyết định số 706/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam thể hiện tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.


Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh