Qua 3 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều nông hộ nâng cao thu nhập.
Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Bình Tân đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. |
Qua 3 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều nông hộ nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn- nhất là về kinh phí, đầu ra sản phẩm và nhận thức của người sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần có định hướng phù hợp với tình hình thực tế. Về phía nông dân, cần tạo ra sản phẩm ổn định về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020 gắn với xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Mang Thít đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sản xuất theo ngành, lĩnh vực. Năm 2017, đã triển khai 24 dự án với tổng vốn trên 4 tỷ đồng.
Qua đó, đã duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần nâng cao giá trị trên cùng diện tích.
Nổi bật là, đã xây dựng các mô hình có hiệu quả như trồng bưởi da xanh, dừa. Các xã còn phát triển trồng khoai mỡ, trồng hành theo hướng an toàn; chăn nuôi gà, vịt trên đệm lót sinh học, trồng nấm rơm trong nhà và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân.
Để tổ chức lại sản xuất và tạo ra nông sản an toàn, TX Bình Minh đã thành lập mới 3 HTX và 6 tổ hợp tác sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số lên 5 HTX và 58 tổ hợp tác- hầu hết đều được định hướng sản xuất chất lượng, an toàn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Hiện, thị xã có 105ha trồng bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP và đang chứng nhận 20ha chuẩn GlobalGAP, đã được ký hợp đồng thu mua. Thị xã còn đầu tư thí điểm 0,7ha rau màu an toàn trong nhà lưới và đã có đơn vị liên kết thu mua ổn định.
Mô hình cánh đồng mẫu tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả với 419ha, tập trung chủ yếu ở các xã Đông Thạnh và Thuận An, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so ngoài mô hình, lời cao hơn 3,1 triệu đồng/ha.
Huyện ủy Bình Tân cũng đã chọn xã Tân An Thạnh làm điểm, xã Thành Trung làm diện và đã chuyển đổi tốt giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường luân canh, rải vụ, phát triển nhiều mô hình với thu nhập 250- 300 triệu đồng/ha.
Khó khăn vẫn còn
Theo ông Đặng Văn Chính- Bí thư Huyện ủy Bình Tân, việc thực hiện đề án gặp không ít khó khăn do kế hoạch tài chính để đầu tư cơ cấu lại ngành nông nghiệp khá lớn, nhưng kinh phí của huyện còn hạn chế. Việc vận động người dân trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu vẫn chưa có lời giải đáp.
Bên cạnh đầu ra hàng nông sản chưa ổn định, giá cả bấp bênh; thời tiết bất thường dẫn đến chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo.
Nông dân sản xuất vẫn chạy theo phong trào, còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; tập quán sản xuất theo kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại, trong khi các HTX chưa đủ mạnh, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đủ sức thu hút người dân tham gia.
“Huyện có tiềm năng phát triển cây khoai lang, bắp, mè, đậu nành với sản lượng rất lớn nhưng việc tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ”- ông Đặng Văn Chính nói.
Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Bí thư Thị ủy Bình Minh- cũng cho rằng nguồn vốn không đủ để thực hiện các dự án có quy mô lớn; việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít và chưa chặt chẽ, do người dân còn nặng ý thức tự sản xuất- tự tiêu thụ, trình độ quản trị điều hành của các HTX còn hạn chế.
“Việc thực hiện đề án vẫn còn lúng túng, nặng về chuyển đổi từ cây này sang cây khác, các mô hình hiệu quả chưa được nhân rộng đúng mức, việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn chậm”- Phó Bí thư Huyện ủy Mang Thít, Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên nhận định.
Cần có sự thay đổi đột phá
Qua khảo sát tại các địa phương, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- nhận định: Mỗi lần đến các xã điểm nông thôn mới đều có sự thay đổi, đây là tín hiệu rất tốt. Đối với các xã còn lại đạt thêm 1- 2 tiêu chí cho thấy sự chỉ đạo tích cực của các địa phương.
Song, ông Lê Quang Trung cũng băn khoăn khi giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của huyện Mang Thít tăng trưởng còn thấp, riêng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng rất thấp, cần phải xem xét, “mổ xẻ” vấn đề này.
Tại TX Bình Minh, giá trị sản xuất nông nghiệp dù chỉ vượt kế hoạch hơn 1%, nhưng tốc độ tăng trưởng đạt trên 11% so năm rồi là khá cao.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vấn đề đặt ra là cần nâng chất hàng nông sản, nhất là rau màu phục vụ cho các đô thị lớn như TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.
Bình Tân là một trong các huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khá tốt. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,5% là thấp rất xa so với tỉnh. “Là huyện nông nghiệp, Bình Tân đi lên bằng nông nghiệp là rất tốt, tuy nhiên cũng đừng “bỏ quên” công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp”- ông Lê Quang Trung đề nghị.
TX Bình Minh đang định hướng phát triển cây bưởi Năm Roi theo hướng chất lượng, an toàn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. |
Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017 tại các huyện- thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung- lưu ý: Cần tổng kết đánh giá từng cấp và rút kinh nghiệm để có sự chỉ đạo phù hợp.
Cái chính trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là phát huy cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và cần phát huy vai trò kinh tế tập thể, có sự liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần hướng đến sản xuất nông sản sạch, ổn định về chất lượng và số lượng thì “bài toán” đầu ra chắc chắn sẽ giải được.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin