Xuất khẩu gạo chuyển từ lượng sang chất

05:10, 09/10/2017

Xuất khẩu gạo năm 2017 có nhiều tín hiệu lạc quan. Thị trường Trung Quốc tăng cầu, kéo theo giá lúa ổn định. Chính phủ cũng không can thiệp mua tạm trữ. Song các chuyên gia vẫn cho rằng, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gắn với các phân khúc gạo có giá trị cao mới là bài toán chiến lược của xuất khẩu gạo Việt Nam!

 

BT

Xuất khẩu gạo năm 2017 có nhiều tín hiệu lạc quan. Thị trường Trung Quốc tăng cầu, kéo theo giá lúa ổn định. Chính phủ cũng không can thiệp mua tạm trữ. Song các chuyên gia vẫn cho rằng, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gắn với các phân khúc gạo có giá trị cao mới là bài toán chiến lược của xuất khẩu gạo Việt Nam!

 Thu mua xuất khẩu gạo ở ĐBSCL
Thu mua xuất khẩu gạo ở ĐBSCL

Cạnh tranh gay gắt

Trong tuần đầu tháng 10-2017, ĐBSCL liên tục mưa dầm, gây khó khăn cho nông dân thu hoạch lúa Thu Đông (lúa vụ 3). Tuy nhiên, lúa vừa thu hoạch được thương lái tìm đến mua nhanh. “Gia đình tôi vừa thu hoạch 50 giạ lúa. Thương lái mua tại nhà với giá 104.000 đồng/giạ (tương đương 5.200 đồng/kg). Giá bán này cao hơn 100 đồng/kg so với vụ hè thu rồi. Với mức giá này, nông dân trồng lúa khá yên tâm để sản xuất”, anh Trần Văn Hết, nông dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho biết. Có thể nói, giá lúa từ đầu năm 2017 đến nay ổn định ở mức cao, nhờ đầu ra ổn định.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 - 5.700 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 300 - 500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.300 - 8.400 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đồng/kg.

Ước tính xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng 19,6% về lượng, kim ngạch 2 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Con số này cho thấy, việc VFA quyết định đẩy mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 lên hơn 5,7 triệu tấn, tăng khoảng 800.000 tấn so với năm 2016 là khả thi trong bối cảnh đầu ra hạt gạo khá tốt. Đánh giá mới nhất của VFA, khả năng xuất khẩu đạt 5,2 triệu tấn là trong tầm tay.

Hiện thị trường Trung Quốc, chiếm 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với hơn 1,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 700 triệu USD. Có thể nói, xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đã có bước chuyển lớn từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Cụ thể từ cuối năm 2016, phía Trung Quốc đã cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam đánh giá 31 doanh nghiệp sản xuất và chế biến gạo của Việt Nam. Kết quả là Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã chấp thuận cho 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các thị trường Philippines, Malaysia cũng tiêu thụ mạnh gạo Việt Nam.

Thị trường tiêu thụ gạo ở châu Á tăng những tháng qua đẩy giá xuất khẩu bình quân lên hơn 400 USD/tấn. Đây cũng là “đòn bẩy” giúp giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng, lợi nhuận của nông dân cũng được cơi nới. 

Song, VFA dự báo, từ nay đến năm 2018 sản lượng và tiêu thụ gạo giảm nhẹ, nhưng sản lượng vẫn duy trì ở mức cao hơn tiêu dùng nên tồn kho cuối kỳ tiếp tục tăng ở mức kỷ lục. Nguồn cung cấp dồi dào nên cạnh tranh sẽ gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo. Kéo theo giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm từ nay đến năm 2018, trừ khi có nhu cầu đột biến do ảnh hưởng thiên tai. 

Tập trung gia tăng giá trị hạt gạo

Về tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2017 và năm 2018, VFA nhận định: Thị trường sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu từ Malaysia, Bangladesh, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc và châu Phi.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường gần, có lợi thế vận chuyển và nhu cầu đa dạng, phù hợp với cơ cấu chủng loại gạo Việt Nam nhưng cũng tùy thuộc vào giá cạnh tranh. Châu Phi tiếp tục duy trì thị phần gạo thơm nhưng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan. Tương tự, gạo của Việt Nam cũng là “kình địch” với Thái Lan nếu muốn xuất sang thị trường Philippines và Malaysia. 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ lúa thu đông năm 2017, nông dân các tỉnh ĐBSCL xuống giống khoảng 800.000ha (giảm 40.000ha so với kế hoạch). Trong bối cảnh biển đổi khí hậu ngày càng dễ gây tổn thương cho nông dân ĐBSCL, việc gia tăng thu nhập cho người trồng lúa đứng trước nhiều thách thức. Xu hướng tập trung trồng các giống lúa chất lượng, giá trị cao là tất yếu.

“Trước diễn biến phức tạp và khó khăn của nguồn tài nguyên nước, chúng ta phải tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo.

Theo đó, sẽ chấp nhận không tăng quy mô diện tích, sản lượng mà đi sâu vào giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo. Trước nhất, phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất.

Đặc biệt, quan tâm tạo giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Chúng ta chấp nhận giảm diện tích nhưng giá trị phải tăng. Đây là yêu cầu cấp bách để cải thiện đời sống, sinh kế cho nông dân trồng lúa”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Không đặt nặng số lượng, chú trọng đến gia tăng giá trị hạt gạo là một xu hướng phù hợp với sản xuất của ĐBSCL. Thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nhập khẩu nhiều hơn phân khúc gạo thơm, đặc sản. Campuchia cũng đang chen chân vào các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Việt Nam.

Song, điều đáng ghi nhận là xuất khẩu gạo đã có những thay đổi tích cực, khi tỷ lệ phân khúc gạo thơm, đặc sản có giá trị cao ngày càng gia tăng. Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, ngành lúa gạo cần thực hiện đồng bộ việc chuyển vùng trồng lúa chuyên canh theo hướng gia tăng giá trị gắn với an toàn thực phẩm.

Quan trọng hơn, phải chuyển sang chiến lược mới, sản xuất lúa gạo chất lượng cao bằng công nghệ kỹ thuật cao như Thái Lan đang đẩy mạnh”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đề xuất!

Theo SGGP

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh