8 khu vực đô thị trong tỉnh Vĩnh Long đa phần nằm cạnh hệ thống giao thông thủy, bộ lớn và hầu hết phân bố tương đối gần đô thị trung tâm. Nông nghiệp đô thị, ven đô đang có những cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị và ven đô tương đương 60% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh.
8 khu vực đô thị trong tỉnh Vĩnh Long đa phần nằm cạnh hệ thống giao thông thủy, bộ lớn và hầu hết phân bố tương đối gần đô thị trung tâm. Nông nghiệp đô thị, ven đô đang có những cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp ở đô thị, ven đô là rất lớn. Trong ảnh: Mô hình trồng lan Mokara ở xã Trường An (TP Vĩnh Long). |
Ứng dụng công nghệ cao
Mô hình trồng cà chua, dưa leo trong nhà lưới của ông Nguyễn Hoàng Khải (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) có thể nói là mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ông Khải cho biết, qua thời gian áp dụng mô hình này ông đã tiếp cận kỹ thuật mới, từ đó nâng cao nhận thức về phương pháp sản xuất mới phù hợp với nông nghiệp đô thị, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng nông sản sạch, an toàn.
Theo ông Trương Vĩnh Yên- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), mô hình dưa leo, cà chua theo hướng thủy canh áp dụng công nghệ Autopot nhập khẩu từ Israel rất phù hợp với nông nghiệp đô thị bởi vì quy mô nhỏ không chiếm nhiều diện tích, sử dụng công nghệ tưới tự động không mất nhiều thời gian chăm bón, tạo được cảnh quan xanh- sạch- đẹp, đáp ứng được nhu cầu rau sạch của người dân.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Khải, để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công, nông dân cần phải có kiến thức chuyên môn và trải qua thực nghiệm mới đánh giá được công nghệ phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, từ đó mang lại hiệu quả sản xuất cao như mong đợi.
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và trên 2.000 cây giống, hệ thống tưới tự động, ông Trương Văn Ân (Phường 9- TP Vĩnh Long) thực hiện mô hình trồng hoa lan cắt cành từ năm 2009.
Từ hiệu quả bước đầu, ông Ân đã đầu tư thêm nhiều chủng loại như lan Dendrobium, Mokara… Đến nay, ông đã trồng trên 10.000 cây trên diện tích 800m2, lan cắt cành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Ông Ân nhận thấy, hiện nông dân chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, cũng như chủng loại mặt hàng nông sản đô thị.
Do đó, các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đô thị hàng năm cần quan tâm đầu tư thêm giống mới, chất lượng cao, chuyển giao công nghệ mới phù hợp cũng như tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình mới để học hỏi và áp dụng tại địa phương.
Tiềm năng lớn
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh Long đã được đầu tư áp dụng có hiệu quả. Cụ thể như các mô hình trồng hoa phong lan, hoa đồng tiền, rau sạch hộ gia đình, kiểng bonsai, nuôi rắn ri voi, ba ba… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, khu vực ven đô cũng được đầu tư, hình thành và phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao.
Hiện Vĩnh Long có khoảng 30 CLB hoa, cây kiểng, cá cảnh với trên 5.000 thành viên và có gần 600 điểm sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Tuy quy mô nhỏ, phân tán nhưng bước đầu đã góp phần định hướng cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất nông nghiệp đô thị.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 5 trang trại heo áp dụng công nghệ chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng,… theo quy trình chăn nuôi tiên tiến, trong đó có 3 trang trại đạt chứng nhận chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học VietGAHP.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh thời gian qua mới chỉ áp dụng thử nghiệm trên quy mô nông hộ, chưa thể làm đại trà quy mô lớn.
Nguyên nhân do sản xuất còn manh mún nên khó đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Trình độ và khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế cũng như khả năng chuyển giao của cán bộ kỹ thuật trong ngành còn thấp.
Một trong những cái khó là kinh phí đầu tư công nghệ cao khá lớn, vượt khả năng của người nông dân trong khi thiếu doanh nghiệp có tiềm lực về chuyển giao khoa học công nghệ.
Ngoài ra, việc chưa hình thành được mối liên kết sản xuất- tiêu thụ, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, giá sản phẩm chưa có sự khác biệt với các sản phẩm thông thường nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư sản xuất.
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống thủy canh Autopot được áp dụng tại Vĩnh Long. |
Chia sẻ tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị” tổ chức tại Vĩnh Long vừa qua, ông Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp- PTNT), nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để phục vụ cho đời sống của người dân vùng đô thị và ven đô.
Phát triển nông nghiệp đô thị còn góp phần tạo cảnh quan đô thị và phát triển du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, nông nghiệp đô thị đang bị cạnh tranh bởi các lĩnh vực khác của khu vực đô thị, do đó đặt ra nhiều thách thức, dễ bị tác động xấu của môi trường đô thị.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp đô thị hiện nay còn nhỏ lẻ về quy mô nhưng khả năng tiếp cận của người dân tốt hơn. Đây cũng là một lợi thế để nông nghiệp đô thị có thể phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
|
Ông Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Thời gian tới cần đẩy mạnh chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp đô thị. Có quy hoạch cụ thể về vùng sản xuất chỉ dẫn địa lý, từng nhóm đối tượng được ưu tiên sản xuất. Nâng cao năng lực tiếp cận của nông dân về lựa chọn cây, con giống, công nghệ. Năm 2018 sẽ là năm tăng cường công tác khuyến nông nhằm đưa công nghệ cao sản xuất để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Liêm-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Hiện bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình ở Vĩnh Long rất ít, chỉ khoảng 0,4- 0,6 ha/hộ. Trước tình hình đô thị hóa và khó khăn do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, việc phát triển nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Bài, ảnh: LÊ LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin