Thương mại nội địa phải được coi là lĩnh vực trọng yếu

01:08, 13/08/2017

Thương mại nội địa cần phải được hết sức coi trọng vì đây là lĩnh vực thúc đẩy hoạt động cung cấp sản phẩm cũng như tăng sức mua của người tiêu dùng.

 

Thương mại nội địa cần phải được hết sức coi trọng vì đây là lĩnh vực thúc đẩy hoạt động cung cấp sản phẩm cũng như tăng sức mua của người tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước trong giai đoạn từ năm 2007-2016 tăng trung bình khoảng 20%/năm. (Ảnh minh họa: KT)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước trong giai đoạn từ năm 2007-2016 tăng trung bình khoảng 20%/năm. (Ảnh minh họa: KT)

Ngay từ đầu năm 2017, ngành Công Thương đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, phát triển thương mại trong nước, coi trọng hội nhập quốc tế về kinh tế và phát triển thương mại biên giới. Đồng thời, không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.294 nghìn tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, các nhóm chính là lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống có mức tăng cao (từ 10-12%).

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển thương mại những tháng cuối năm 2017, 1 trong 3 giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương được xác định là phát triển thị trường trong nước cùng với sản xuất công nghiệp cho giá trị cao gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng các đơn hàng xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4% (đây là mức tăng khá tốt khi trong khoảng 6 năm trở lại đây thường chỉ tăng quanh mức 4,8-7,6%) - cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

“Thị trường hàng hóa trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng, và có sự ổn định, giá hàng hóa không có biến động lớn, sức mua trên thị trường đang có sự phục hồi”, ông Hải cho hay.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thương mại nội địa dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng tăng tốt trong năm nay, đặc biệt trong dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngành công thương đang tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề an Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, dịp cuối năm; Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường, xã hội.

Cũng theo ông Nguyễn Lộc An, thị trường nông thôn sẽ được hết sức coi trọng và để thúc đẩy sức mua tại thị trường này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp và nhà phân phối.

“Hiện nay sức mua của thị trường nông thôn rất lớn vì đây một thị trường rất tiềm năng cho thị trường trong nước. Các doanh nghiệp nên có những chương trình quảng bá các sản phẩm, đổi hàng, hoặc cung cấp những sản phẩm mà người dân cần và đổi lại là mình thu mua những sản phẩm người nông dân có. Doanh nghiệp cũng nên đặt trụ sở cũng như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình ở tại địa bàn các thị trấn cũng như các vùng nông thôn có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm”, ông An khuyến cáo.

Coi trọng thị trường truyền thống ở nông thôn, thiết lập các kênh phân phối hiện đại ở các thành phố lớn - đó là hướng đi của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và nhất là khi Việt Nam mở cửa thị trường cho các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia từ năm 2009.

Tuy nhiên, các thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước trong giai đoạn từ năm 2007-2016 tăng trung bình khoảng 20%/năm (vẫn ở dưới mức tiềm năng) của một quốc gia được đánh giá nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường - ông L.Chaitanya Kishore Reddy - Giám đốc nghiên cứu, đại diện TNS Việt Nam, vấn đề nằm ở chỗ, xu hướng tiêu dùng tiện ích ở Việt Nam phát triển khá nhanh, trong khi những chuỗi cửa hàng tiện ích nhỏ lại chưa đáp ứng kịp thời. 

“Một yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý, đó chính là cần bán và đem lại các giá trị mà người tiêu dùng đang tìm kiếm. Hiện nay, người tiêu dùng ở Việt Nam đang mong muốn có được sự tiện lợi nên thường tìm đến những cửa hàng tiện lợi. Đây cũng chính là những xu hướng thay đổi trong tiêu dùng của người Việt. Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm những kênh phân phối như vậy để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng”, ông L.Chaitanya Kishore Reddy chỉ rõ.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, việc hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tới phân phối là yếu tố rất quan trọng, không chỉ giúp ổn định thị trường mà có thể kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Nhà nước nên khuyến khích, đầu tư cho doanh nghiệp hạt nhân đứng ra làm trung tâm cung ứng vật tư - sản xuất - phân phối và liên kết các hộ kinh doanh, bán lẻ thành chuỗi cửa hàng tiện lợi để thương mại trong nước phát triển bền vững./.

Theo VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh