Hàng hóa ngày càng đa dạng, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì thế, xây dựng thương hiệu tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm và doanh nghiệp (DN) địa phương trong mắt người tiêu dùng là nhu cầu tất yếu.
Hàng hóa ngày càng đa dạng, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì thế, xây dựng thương hiệu tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm và doanh nghiệp (DN) địa phương trong mắt người tiêu dùng là nhu cầu tất yếu. Và điều này, đã và đang được các DN chú trọng và để nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện này.
Nhiều DN đã tạo được lòng tin người tiêu dùng bằng dựng xây thương hiệu. |
Đổi mới công nghệ
Liên tục nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án quy hoạch, hỗ trợ phát triển thương hiệu nhằm tiếp sức cho các thương hiệu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trước quá trình hội nhập như: Gạo Phước Thành IV, bánh kẹo Sơn Hải, nước mắm Gia Hỷ, bún Ba Khánh, cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa...
Điều này giúp DN trên địa bàn tỉnh phát triển kinh doanh dựa trên tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược mới phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.
Khi thực hiện đề án, Sở Công thương xác định có 3 đối tượng quan trọng tham gia quá trình thực hiện đó là: Nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị tư vấn.
Do vậy, sở đã phối hợp với Viện Quản trị quốc tế tư vấn phát triển thương hiệu cho các DN, xây dựng lại chiến lược thương hiệu, chiến lược phát triển kinh doanh nhằm giúp các DN tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường tăng sức cạnh tranh.
Ngoài việc thực hiện chiến lược kinh doanh, Sở Công thương tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, tập huấn nhằm cung cấp kiến thức và thông tin mới trong quá trình kinh doanh cho DN.
Tuy vậy, để tồn tại và phát triển, từng DN phải tạo hình ảnh đặc trưng sản phẩm mình để khách hàng có thể phân biệt sản phẩm cùng loại. Như tại DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp (Phường 4- TP Vĩnh Long) đi lên từ việc sản xuất theo công thức truyền thống gia đình- một ngành nghề đang chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ DN mạnh khác trong và ngoài nước.
Để giữ nghề và cạnh tranh, DN phải đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, để nâng cao chất lượng và mẫu mã bao bì bắt mắt.
Từ đó, DN đã đưa ra thị trường nhiều chủng loại sản phẩm nước mắm có mẫu mã và kiểu dáng đa dạng từ 100N- 600N phù hợp nhu cầu thị trường. Đặc biệt là dòng sản phẩm nước mắm cao cấp 600N của DN được sản xuất theo dây chuyền hiện đại bằng phương pháp cô đặc chân không nước cốt nhỉ từ 350- 400N trong điều kiện bay hơi nên lượng muối trong nước mắm ít, tạo vị ngọt đạm tự nhiên làm nước mắm đậm đà hơn.
Qua đó, giúp thương hiệu DN không chỉ giữ chân khách hàng truyền thống mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bà Đặng Thị Hồng- chủ DN- còn cho rằng, ngoài mẫu mã thì chất lượng chính là yếu tố quyết định.
Đầu vào nguyên liệu thì cá phải tươi, đầu ra phải kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn. Và điều này được chính người tiêu dùng công nhận khi sản phẩm DN đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2016.
DN “sống còn” từ thương hiệu
Nhiều DN xác định, chất lượng hàng hóa là yếu tố quyết định để khách hàng tiếp tục lựa chọn sản phẩm, nhưng thương hiệu là động lực quan trọng giữ chân khách hàng và là địa chỉ để người tiêu dùng đặt lòng tin.
Cơ sở sản xuất bún- phở Ba Khánh tiếp thị, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ. |
Công ty TNHH Sơn Hải (xã Song Phú- Tam Bình) chuyên sản xuất bánh kẹo, phát triển từ một cơ sở quy mô nhỏ nhưng có truyền thống sản xuất từ năm 1976. Nhờ chú trọng cải tiến chất lượng và mẫu mã mà thị phần tiêu thụ liên tục tăng trưởng.
Để mở rộng sản xuất và đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy trình quản lý chất lượng quốc tế, công ty đã chuyển nhà xưởng chật hẹp từ TP Vĩnh Long về huyện Tam Bình. Năm 2013, xưởng sản xuất mới trên 2.000m2 theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 2200 về an toàn thực phẩm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bà Lê Trúc My- Giám đốc công ty- cho biết, với việc đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến bao bì chất lượng sản phẩm đã giúp sản phẩm xâm nhập vào hệ thống siêu thị.
Sản phẩm công ty trước đây thường tiêu thụ mạnh vào các dịp lễ tết, nhưng từ sự đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm công ty đã có thị trường tiêu thụ quanh năm. Sức tiêu thụ cũng tăng từ 10- 15%, mở rộng nhiều tỉnh- thành cả nước.
Có thể nói, xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu vừa góp phần khai thác bản sắc địa phương, khai thác thế mạnh sản phẩm vùng, miền.
Hiện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) tiếp tục đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm cho các DN địa phương, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20 DN có sản phẩm thuộc nhóm thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Những sản phẩm này tương lai không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn là mặt hàng triển vọng cho xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm và thu nhập của người lao động khu vực nông thôn.
|
Trước yêu cầu sử dụng sản phẩm sạch, Cơ sở sản xuất bún- phở Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cũng mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra sản phảm an toàn. Song để người tiêu dùng cảm nhận, cơ sở phải ra sự khác biệt là thay đổi bao bì, mở rộng kênh tiêu thụ. Bà Lưu Kim Phụng- chủ cơ sở cho biết, việc thay đổi là nhu cầu thị trường, tạo sản phẩm an toàn. Trung bình mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường 6- 7 tấn bún cho các siêu thị, nhà hàng, trong đó, 50% trong kênh bán lẻ hiện đại. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin