Từ thực tế sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ khiến giá nông sản luôn bấp bênh, điệp khúc "được mùa mất giá" cứ lặp đi lặp lại.
Từ thực tế sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ khiến giá nông sản luôn bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại.
Là người trực tiếp sản xuất, nhưng nông dân luôn bị thua thiệt. Chính vì thế, kinh tế tập thể với việc hình thành và phát triển những mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới với cách làm mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cùng tư duy đột phá trong tổ chức, điều hành, thu hút nông dân vào sản xuất lớn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Từ những mô hình HTX kiểu mới thành công cho thấy, ngoài mục tiêu gắn kết sản xuất để không ai “đứng bên lề” sự phát triển, những người đứng đầu HTX phải có tâm và có tầm, tạo được lòng tin “làm vì lợi ích tập thể, phục vụ cho bà con”.
Thêm vào đó là sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện giúp HTX phát huy tối đa tiềm lực.
Kỳ 1: Không để ai “đứng bên lề” hợp tác xã
Từ câu chuyện “không ai có đất mà không tham gia hợp tác xã” (HTX) xã Tân Bình (huyện Thanh Bình- Đồng Tháp) cho thấy liên kết là yêu cầu tất yếu trong sản xuất nhưng cũng cần “người nhạc trưởng” bản lĩnh, vì lợi ích chung.
Nông dân xã Tân Bình hớn hở thu hoạch nếp, 100% nông dân của xã đều tham gia HTX. |
Hợp tác để sản xuất bền vững
Tân Bình là một trong 5 xã cù lao Tây huyện Thanh Bình- theo lãnh đạo UBND xã- do người đông đất hẹp (đất sản xuất bình quân chỉ 1.500m2/hộ), kinh tế còn nhiều khó khăn, nên chính quyền và nhân dân xã nhận thấy cần phải gắn kết mới ổn định sản xuất. Vậy là HTX nông nghiệp Tân Bình được thành lập.
Đến nay, HTX có 1.189 thành viên là hộ gia đình, “không ai có đất sản xuất mà không vào HTX. Tất cả người dân của xã tham gia vào HTX và góp vốn cổ phần đầy đủ, cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể trong công tác vận động tuyên truyền”- ông Phan Công Chính- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình bắt đầu câu chuyện về xây dựng HTX.
Ông Chính đưa chúng tôi ra cánh đồng rộng lớn chuyên canh lúa nếp đang thu hoạch vụ Hè Thu, máy gặt đập liên hợp rền vang. “Hơn 600ha tụi tui thu hoạch tập trung dứt điểm trong 3 ngày.
HTX có 5 đội điều hành, tổ chức thu hoạch, gieo sạ, quy trình sản xuất… đồng loạt”- ông Chính nói, nhờ sản xuất tập trung nên dù nếp không được doanh nghiệp bao tiêu nhưng đầu ra luôn ổn định. Hơn nữa, nhờ được đầu tư lò sấy và kho tồn trữ, nên HTX cũng đóng vai trò bình ổn giá.
“Hiện tụi tui đã khép kín sản xuất. Từ công tác giống, làm đất, bơm tưới, cung cấp vật tư phân bón đến cắt gặt, phơi sấy tồn trữ và tiêu thụ… giúp thành viên yên tâm sản xuất”- ông Chính cho biết.
Trong 2 năm gần đây, đường nước tưới tiêu từng bước kiên cố hóa “bà con giảm được 100.000 đ/ha chi phí”. Hơn nữa, HTX đã tận dụng sự hỗ trợ từ dự án ACP nhằm giúp bà con tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất.
Thực tế sản xuất cho thấy ruộng lúa áp dụng “1 phải 5 giảm” lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình gần 1 triệu đồng/ha, vì giảm được chi phí đầu vào, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Chú Nguyễn Văn Lâm- thành viên HTX ở ấp Tân Phú A- hồ hởi cho biết lợi ích khi vào HTX: “Tui làm 32 công nếp, năm nào cũng thắng.
Thương lái không chê chất lượng vì sử dụng phân thuốc đúng cách, màu vàng tươi. Tham gia HTX còn được sử dụng các dịch vụ HTX, tập huấn khoa học kỹ thuật giảm chi phí nhiều. Vui nhứt là cuối năm ai cũng được chia lãi”.
Tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản
Ban giám đốc HTX Bình Thạnh trao đổi về sản phẩm khô cá điêu hồng. |
Tại HTX Tân Bình, “2- 3 vụ lúa gần đây nông dân không đốt rơm mà cày vùi tái tạo dinh dưỡng cho đất, tiết kiệm nước, sạ thưa, bón phân cân đối đúng cách”- theo ông Chính, để có được chuyển biến như vậy thì: “Tổ chức và điều hành HTX cái gì cũng phải công khai, minh bạch và phải lo quyền lợi cho bà con trước” và kinh nghiệm xương máu trong xây dựng HTX bền vững là “phải tạo được lòng tin cho bà con”.
Từ lòng tin đó đã giúp HTX phát triển, hiện giá trị tài sản của HTX đã đạt hơn 23 tỷ đồng, về lâu dài, ông Chính cho biết đang tính tới “chuyện lớn hơn.
Chúng tôi thí điểm sản xuất nếp hữu cơ 10ha, bước đầu đã có hiệu quả và sắp tới sẽ mở rộng diện tích hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Với mong ước của nhiều nông dân: gắn kết để sản xuất lớn và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp, HTX Cá điêu hồng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp) đi vào hoạt động từ năm 2015.
Theo ông Phan Văn Hòa- Giám đốc HTX: “Khi ngành nuôi cá bè “lao đao”, nông dân thấy nuôi cá riêng lẻ quá bấp bênh, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ thành lập HTX để hợp tác sản xuất cùng nhau.
Đến nay, HTX có 20 thành viên với 120 lồng bè, trong đó 70 bè nuôi cá điêu hồng đạt tiêu chuẩn VietGAP có thể cung ứng cá thịt cho thị trường 8-10 tấn/ngày.
Hiện sản phẩm của HTX được Công ty An Phú (huyện Châu Thành- Đồng Tháp) tiêu thụ chế biến xuất khẩu và cung ứng cho một số siêu thị ở ĐBSCL.
Ngoài sản phẩm cá thịt, Ban giám đốc HTX đã mạnh dạn đầu tư sản xuất khô cá điêu hồng phi lê đóng gói. Theo ông Hòa, sản phẩm đang trong giai đoạn thăm dò thị trường và có những phản hồi tích cực.
“Với uy tín thương hiệu sản xuất cá điêu hồng VietGAP, sản phẩm cá khô kỳ vọng góp phần giải quyết đầu ra và làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm của các thành viên”- ông Hòa cho biết, hướng đi này nhận được đồng thuận cao.
HTX Tân Bình, HTX Bình Thạnh là 2 trong nhiều HTX ở Đồng Tháp cho thấy tinh thần hợp tác của bà con nông dân đã hình thành và lan tỏa.
Theo ông Lê Quang Cường- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, nông dân đã nhận thức được nếu không hợp tác với nhau sẽ không đủ sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường, không đủ sức làm “đối trọng” trong mối liên kết với doanh nghiệp.
Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, đúng nguyên lý, bản chất của HTX kiểu mới.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng dần nhận ra và thay đổi cách kinh doanh từ thu mua theo mùa vụ sang liên kết với nông dân thông qua HTX, đầu tư đầu vào và tiêu thụ nông sản một cách căn cơ, ổn định, lâu dài.
“HTX muốn phát triển, phải đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu và mang lại lợi ích cho từng thành viên trước, sau đó mới đề cập tới lợi nhuận”- ông Lê Quang Cường đúc kết.
Không phát triển HTX rập khuôn, máy móc Ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp- khẳng định: “Đồng Tháp không rập khuôn, máy móc, áp đặt các mô hình cho từng địa phương. Tùy điều kiện, quy mô sản xuất, sự “sẵn lòng” của người nông dân và doanh nghiệp, khả năng quản trị của HTX mà xây dựng bước đi phù hợp. Đồng Tháp đang thúc đẩy kinh tế hợp tác, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX. Ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng cốt lõi của Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh là hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường chế biến. Bởi vì, cơ cấu lại nông nghiệp là tăng sức cạnh tranh cho nông sản, qua đó tăng thu nhập cho nông dân. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
(Còn tiếp)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin