Vì sao du lịch chưa đóng góp tương xứng vào nền kinh tế?

10:07, 31/07/2017

Nhân Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại nội tại dẫn tới việc du lịch chưa đóng góp tương xứng vào nền kinh tế.

Nhân Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại nội tại dẫn tới việc du lịch chưa đóng góp tương xứng vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel

6 tháng qua cho thấy, du lịch là một trong những ngành có mức tăng trưởng rất ấn tượng với khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng trên 30%  Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế du lịch vẫn chưa thực sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong khi đây là lĩnh vực thế mạnh. Ông có đồng ý với nhận định này không? Nếu có thì đâu là nguyên nhân?

Vấn đề cốt lõi là chúng ta thu được gì từ sự tăng trưởng đó. Ví dụ, khách Hàn Quốc vào Việt Nam rất đông nhưng doanh nghiệp du lịch Việt không tham gia vào được chuỗi cung cấp dịch vụ cho dòng khách này, họ đang làm gì chúng ta cũng không biết. Chi tiêu và doanh thu từ đó không có. Khách Trung Quốc cũng tương tự.

Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất nhanh, nhưng đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam là bao nhiêu, đã ai đánh giá chưa, nếu chưa đánh giá được thì việc tăng đó có ý nghĩa hay không, thưa ông?

Nhiều ý kiến gọi đó là tour 0 đồng, nhưng họ vẫn tới đây ăn, tiêu. Họ vào đây mở cửa hàng, bán và lấy lợi trên đó, trong khi, 70% thu từ dịch vụ mà chúng ta không thu được tiền dịch vụ từ dòng khách này.   

Nhiều địa phương hiện nay vẫn nhắm mắt cho qua "tour 0 đồng" để có số liệu báo cáo và doanh thu thì tính áng áng, trong khi thực tế có thể không thu được gì. Đây là lý do vì sao khách tăng nhưng đóng góp của du lịch trong tổng nền kinh tế chưa tương xứng.

Chúng ta phải giải quyết được câu chuyện tìm thị trường nguồn, đánh giá năng lực, tiềm năng của nó, từ đó tính ra đóng góp của nó vào trong tổng kinh tế du lịch mới đưa ra con số chính xác.

Vấn đề quản lý nguồn khách, thị trường khách cũng như quản lý đóng góp làm sao khai thác được là vấn đề quyết định. Tuy nhiên, vấn đề này ít người quan tâm, thực tế chỉ chạy theo con số.

Khách tăng trưởng không giải quyết vấn đề gì nếu cơ sở hạ tầng, tổ chức du lịch không tốt, không khai thác được sẽ như nước trượt lên trên mặt của thị trường rồi chảy đi mất. Vì vậy, nhiệm vụ là tổ chức tốt cơ sở hạ tầng, dịch vụ,. Hiện dịch vụ của Việt Nam đứng thứ 113 trên bảng xếp hạng của Hội đồng Du lịch Thế giới.

Vậy đâu là giải pháp giúp du lịch phát triển thưa ông? Là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, theo ông, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể thế nào từ Nhà nước?

Trong quy hoạch phát triển hiện nay, quy hoạch hệ thống dịch vụ cung ứng không có. Khi làm quy hoạch du lịch, chúng ta cần đặt câu hỏi quy hoạch sản phẩm du lịch, điểm đến, những điểm ngủ xung quanh có không? Hệ thống trợ giúp buổi tối, nhà hàng quán bar có không? Những điểm vui chơi công cộng có không? Nếu không có thì khách đến làm gì.

Ngay cả nghỉ dưỡng biển, nhiều nơi như Phú Quốc, thậm chí Phan Thiết - ví như "thủ đô của resort", nhưng hệ thống dịch vụ buổi tối không có nên khách không biết ban đêm làm gì, tỷ lệ lưu trú chỉ từ 1-2 đêm. Điều này làm thất thu cho du lịch. Quan trọng nhất là nhận thức, nếu nhận thức đã thay đổi thì việc đưa ra giải pháp là không khó vì giải pháp đã có sẵn.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Do đó, những vấn đề chỉ đạo mang tính liên vùng, liên ngành không do Chính phủ chỉ đạo sẽ có vấn đề. Do đó, tôi đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia về du lịch cần thành lập ban thường trực để điều hành nhanh nhất những vấn đề nóng xảy ra liên quan tới cạnh tranh, xúc tiến, quy hoạch, cơ cấu ngành, thay vì phải đợi xin ý kiến nhiều Bộ, nhiều ngành vì khi xin được ý kiến thì việc chỉ đạo đã muộn. Ban chỉ đạo này tránh hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Vai trò của Ban chỉ đạo Quốc gia về du lịch nếu được cải thiện sẽ là đột phá. Việc này nằm ngay trong tầm tay của Chính phủ.

Hiện, những vấn đề như định hướng quy hoạch, thị trường, doanh nghiệp phải tự bơi hết. Doanh nghiệp tự lo nguồn lực trong thúc đẩy phát triển thị trường, không có sự trợ giúp tốt từ Chính phủ. Ví dụ muốn phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp tự làm, tự xác định, thậm chí muốn đầu tư mở rộng hơn không có chính sách ưu đãi tài chính. Du lịch không được coi là ngành cần sự ưu đãi để có chính sách. Vấn đề thuế, phí đang khiến doanh nghiệp không tạo được nhiều nguồn tích lũy dẫn tới hệ quả muốn phát triển phải đi vay, đi vay không có hỗ trợ dẫn tới phát triển hạn chế. Bộ máy quản lý nhà nước phải đảm bảo tính năng động, bám sát được nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Hải Hà (Báo Đầu tư)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh