Chương trình "Sổ quản lý tín dụng" (SQLTD) do Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Vĩnh Long xây dựng và phát triển sử dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng với hệ điều hành Android.
Chương trình “Sổ quản lý tín dụng” (SQLTD) do Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Vĩnh Long xây dựng và phát triển sử dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng với hệ điều hành Android.
Chương trình được đánh giá là công cụ đắc lực và hữu hiệu cho QLTD phù hợp nhu cầu phát triển và hiện đã được chia sẻ cho nhiều chi nhánh NHCSXH.
Cán bộ các chi nhánh NHCSXH chia sẻ chương trình SQLTD tại Vĩnh Long. |
“Lưu trữ hàng đống văn bản”
Ngày 21/7, NHCSXH Vĩnh Long tổ chức giao lưu và chia sẻ chương trình SQLTD cho 7 chi nhánh NHCSXH Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận, Thanh Hóa, Bình Phước.
Trong khi đó, chương trình đã chia sẻ cho các chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và nhận được những phản hồi tích cực.
Ông Trần Hùng- Giám đốc NHCSXH chi nhánh Vĩnh Long- cho biết từ thực trạng nhiệm vụ của cán bộ tín dụng (CBTD) NHCSXH hiện nay đang quá tải vì mỗi CBTD quản lý một khối lượng khách hàng khổng lồ (3.000-5.000 khách hàng/CBTD), lại quản lý qua trung gian (tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác). Với phương pháp quản lý hiện tại thì tình trạng của khách hàng với CBTD là một không gian “mờ mờ ảo ảo”.
Bởi vì, theo ông Trần Hùng, trong trường hợp tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể phụ trách công tác ủy thác thay đổi (nghỉ việc, chuyển công tác) thì thông tin khách hàng của tổ đó đương nhiên bị gián đoạn nếu CBTD không tổ chức quản lý khách hàng hiệu quả.
“Có lần một ông giám đốc ngân hàng gặp tình huống khách hàng Y nợ quá hạn lâu ngày, lần lữa không chịu trả nhưng khi có đoàn kiểm tra cấp trên thì lại phản ứng lâu nay không ai nhắc nhở, đòi nợ, tưởng Nhà nước cho (!?).
Ông giám đốc dở khóc dở cười vì đâu có CBTD theo dõi địa bàn đi theo, hoặc đem theo giấy tờ gì để chứng minh là khách hàng phản ánh đúng hay dây dưa không chịu trả nợ”- ông Hùng nêu ví dụ và cho rằng, những sự cố như vậy, có thể được khắc phục qua chương trình SQLTD này.
SQLTD được cập nhật dữ liệu từ 2 nguồn là chương trình thông tin báo cáo và từ CBTD theo dõi địa bàn.
Khi đã có SQLTD thì CBTD, CB ngân hàng đi kiểm tra, đối chiếu nợ không cần phải in trước hàng đống sao kê nữa, khi họp giao ban chỉ cần “bấm bấm, vuốt vuốt” màn hình là tình hình nợ vay của bất cứ khách hàng nào cũng hiện ra đầy đủ.
Chương trình SQLTD còn được xây dựng để cập nhật một số thông tin địa phương, các cấp lãnh đạo… Chỉ cần có máy tính bảng, CB ngân hàng có thể lưu trữ hàng đống văn bản để tra cứu, truy cập bất cứ lúc nào, ở đâu. Đồng thời có thể gửi và nhận báo cáo chuẩn bị cho các cuộc họp dễ dàng.
“Chắc chắn chương trình SQLTD sẽ là một công cụ hữu hiệu làm thay đổi căn bản QLTD, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách”- ông Trần Hùng kỳ vọng hữu ích mang lại từ chương trình này.
Phần mềm quản lý tín dụng hữu ích
Giao diện đăng nhập của phần mềm SQLTD. |
Theo NHCSXH Vĩnh Long, chi nhánh đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học này trong hệ thống NHCSXH, với mong muốn phát huy tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động tín dụng chính sách trong hệ thống NHCSXH.
Chương trình phần mềm “SQLTD” đáp ứng yêu cầu về lưu trữ dữ liệu, phân loại thông tin kiểm tra khách hàng, tìm kiếm thông tin hoạt động của khách hàng, thông tin kinh tế xã hội địa phương và lưu trữ thông tin kết quả kiểm tra tình trạng lưu trữ sổ sách tại tổ tiết kiệm và vay vốn.
Qua chương trình này đòi hỏi CBTD phải làm tốt việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giám sát địa bàn hàng tháng; kịp thời phát hiện sai sót trong chuẩn hóa số liệu; củng cố chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn; nghiên cứu sâu các văn bản chỉ đạo triển khai; nắm tình hình hộ gia đình vay vốn...
Đồng thời, thể hiện năng lực của từng CBTD theo dõi địa bàn. Từ đó các CB quản lý có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hoặc củng cố chấn chỉnh phù hợp đối với các CB thuộc thẩm quyền quản lý.
Mặc dù vậy, NHCSXH Vĩnh Long cũng cho rằng, “SQLTD” này mới chỉ là giai đoạn bắt đầu, với sự phát triển của ngôn ngữ lập trình, sự phát triển của thiết bị công nghệ số và nhất là sự tham gia nghiên cứu của cộng đồng người sử dụng… hứa hẹn sản phẩm sẽ phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa trong hoạt động của NHCSXH.
Chương trình cần “mở” để tiếp nhận bổ sung thêm nhiều tính năng Ông Võ Trọng Hòa- Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Bình Phước- nhận xét đây là chương trình hữu ích cho công tác QLTD chính sách. CBTD có thể nắm bắt cụ thể thông tin khách hàng, lãnh đạo địa phương đến thông tin từng món vay… mà không cần quá nhiều sổ sách. Về mặt QLTD chính sách có rất nhiều nội dung và hy vọng chương trình SQLTD này sẽ tiếp tục mở để bổ sung thêm nhiều tính năng phục vụ cho công tác quản lý. |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin