Tới giờ này, mực nước tại các con sông đầu nguồn ĐBSCL đã lên cao, dự đoán một mùa nước nổi về sớm. Nhiều năm nay, ĐBSCL không có lũ, chính điều này khiến cho nhiều người "quên" đi cách trồng nông sản có lũ. Giải pháp kỹ thuật cho một mùa nông sản có lũ trong thời điểm này là không muộn.
Tới giờ này, mực nước tại các con sông đầu nguồn ĐBSCL đã lên cao, dự đoán một mùa nước nổi về sớm. Nhiều năm nay, ĐBSCL không có lũ, chính điều này khiến cho nhiều người “quên” đi cách trồng nông sản có lũ. Giải pháp kỹ thuật cho một mùa nông sản có lũ trong thời điểm này là không muộn.
Chủ động ứng phó với môi trường ngày càng khắc nghiệt
Ngày 21/7, Cục Trồng trọt tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn (XNM) và ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng ĐBSCL, với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu từ các viện, trường trong nước và chuyên gia nông nghiệp ở một số nước trong khu vực cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Hội thảo nhằm giúp cho nhà nông và nhà quản lý có cái nhìn toàn cục để chủ động sản xuất trong điều kiện ngày càng khó khăn do tác động của môi trường.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, các địa phương cần chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất, các mô hình canh tác nông nghiệp đối phó trước BĐKH.
Trong các các giải pháp ứng phó, các địa phương thảo luận xây dựng nhóm giải pháp phù hợp với từng tiểu vùng; xây dựng bản đồ chuyển dịch về cơ cấu cây trồng không bị tác động bởi BĐKH.
Bên cạnh đó, một nhóm giải pháp vừa qua cho thấy rất hiệu quả là bố trí lịch thời vụ là né tránh những bất lợi do hạn, mặn xâm nhập hay vụ Thu Đông trong vùng tránh lũ sớm.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Viện khoa học thủy lợi miền Nam đã báo động về những thách thức của BĐKH tác động đến sản xuất tại vùng ĐBSCL.
Đó là nguồn nước. Dòng chảy từ thương lưu sông Mekong biến động bất thường, khó dự đoán. Lũ nhỏ, hiếm xảy ra lũ lớn, lũ xuất hiện sớm và gần 90% là lũ vừa và nhỏ. Khả năng mất lũ rất lớn. Lũ nhỏ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn (XNM) và XNM xuất hiện sớm.
Trong khi dấu hiệu mực nước biển dâng cao và trong tương lai nguồn nước khó dự báo trước tác động từ các công trình xây dựng thủy điện khu vực thượng lưu sông Mekong.
Bên cạnh đó, một số nhà nhà khoa học từ Viện khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH Việt Nam (IMHEN), Viện nghiên cứu BĐKH trường Đại học Cần Thơ, IRRI/CCAFS đã xây dựng các kịch bản rủi ro lũ lụt, XNM ở ĐBSCL ảnh hưởng đến sản xuất lúa; Xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và các biện pháp ứng phó cho các tỉnh ĐBSCL;
đồng thời dự báo tình hình khí tượng thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL dưới tác động BĐKH. Dựa trên bản đồ rủi ro thiên tai, Cục Trồng trọt đề xuất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ theo tiểu vùng sản xuất ở ĐBSCL.
Chủ động nguồn nước, sạ thưa, chăm sóc tốt cho cây trồng
TS Chu Văn Hách, nguyên Trưởng bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, sạ thưa đồng nghĩa giảm giống, phân, sâu bệnh, lúa ít đổ ngã, năng suất tăng… trên thực tế cho thấy rất đúng với những nghiên cứu khoa học.
Trong bối cảnh vàng lùn, lún xoắn lá, đạo ôn, đạo ôn cổ bông đã và đang có chiều hướng gia tăng tại ĐBSCL việc sạ thưa vô cùng ý nghĩa. Giúp giảm bớt rủi ro từ những dịch hại này.
Theo TS Hách, nông dân nên sạ từ 100 - 120kg/ha, nếu sạ dày số chồi lên đến khoảng 1.000 nhưng số bông chỉ đạt từ 400 - 450, nhưng số hạt chắc thấp hơn. Có thể gia giảm tùy theo lượng giống, đối với ruộng khô thì tỷ lệ đẻ nhánh ít hơn từ đó cần điều chỉnh gia giảm.
Theo khuyến cáo 10kg giống/công thì có thể tăng thêm khoảng 2kg nữa nếu tính 120kg/ha để bù trừ vào ốc bươu gây hại hoặc mưa gió. Như vậy sẽ giúp bà con đạt được năng suất tối đa và chi phí về phân bón và áp lực từ sâu bệnh giảm, từ đó chi phí đầu vào giảm đi dẫn đến lợi nhuận tăng lên.
Theo TS Hách, để đảm bảo được hiệu quả đầu tiên cần làm đất tốt, hạn chế được ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, cần phải hóa giải những yếu tố hạn chế trong đất.
Đối với vụ thu đông, nếu đất bị nhiễm phèn thì cần phải đưa nước vào để rửa phèn trước khi sạ. Đối với đất bị ngộ độc hữu cơ thì có thể giãn thời gian và khoảng cách giữa 2 vụ, tốt nhất là 3 tuần, đối với vụ này có thể sạ 120kg/ha bù trừ hao hụt, sử dụng giống lúa xác nhận.
TS Hồ Văn Chiến, nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Đối với đất càng cạn kiệt dinh dưỡng thì bà con càng nên sạ thưa, quang hợp cạnh tranh thiếu ánh sáng. Nếu cây lúa thẳng thì ánh nắng chiếu thẳng xuống được, nếu đồng ruộng sạ dày, cây lúa có đặc tính nhóng lên để hứng ánh sáng.
Nếu bón thừa phân đạm dẫn đến lá lúa rũ xuống, cây lúa càng nhóng lên nữa dẫn đến dễ đổ ngã. Hầu hết nông dân thường bón thiếu phân lân ở giai đoạn đầu dẫn đến cây lúa về sau dễ đổ ngã và bị muỗi hành tấn công, mặt khác lại bón dư kali làm cháy bẹ lá và lại tiếp tục tạo điều kiện để muỗi hành tấn công.
Còn sạ dày gặp thời tiết mưa bão cây dễ đỗ ngã hơn, để cây lúa cạnh tranh với cỏ thường sạ dày để cây lúa đè cây cỏ. Đây là một quan niệm sai khi thực tế cây cỏ thường cao hơn cây lúa, cuối cùng cây cỏ thường "đè" cây lúa. Vì vậy cần chú ý sạ hàng từ 80 - 100kg giống/ha.
Từ đó tạo điều kiện để thiên địch phát triển để hạn chế sâu bệnh gây hại. “Nếu sạ dày dẫn đến bón phân nhiều, nhiều sâu bệnh, phun thuốc nhiều dẫn đến sâu kháng thuốc nhanh.
Đặc biệt là những con thiên địch bắt mồi ăn thịt chết, còn rầy nâu trốn dưới gốc thì sống, chỗ sạ càng dày sẽ càng có ít thiên địch, từ đó cho thấy sạ dày dẫn đến sâu hại nhiều hơn thiên địch và dẫn đến mất mùa”, TS Chiến nhấn mạnh.
Các nhà khoa học cũng đưa ra những khuyến cáo riêng đối vụ hè thu, thu đông, đối với 3 vùng đất chính trồng lúa ở vùng ĐBSCL, trong đó vùng đất phù sa, bà con bón tối đa 150kg urê, có thể dao động trong 120 - 150kg, đối với phân DAP bón khoảng 80 - 100kg, kali bón khoảng 30 - 50kg/ha. Đối với ruộng đất phèn thì bà con cần giảm lượng đạm và tăng lượng lân, đạm bón khoảng từ 110 - 130kg urê trên 1ha cộng với 90 - 100kg DAP, kali 50kg/ha.
Theo Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin