Có "bó tay" với vi phạm sở hữu trí tuệ?

03:07, 28/07/2017

Hiện nay các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng phổ biến và tập trung nhiều nhất là xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhái- giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. 

Hiện nay các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng phổ biến và tập trung nhiều nhất là xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhái- giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.

Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, uy tín của những doanh nghiệp (DN) chân chính, mà còn khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dần quay lưng lại với sản phẩm.

Đường mép viền ở sản phẩm thật dễ xé hơn ở sản phẩm giả. Trong ảnh, bên trái là sản phẩm thật.
Đường mép viền ở sản phẩm thật dễ xé hơn ở sản phẩm giả. Trong ảnh, bên trái là sản phẩm thật.

Sống chung với hàng giả

Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT trên thị trường trong thời gian qua đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất chân chính, đến tâm lý, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một sự thật đáng lo ngại là mặc dù hàng giả, hàng nhái được bày bán khá nhiều trên thị trường, nhưng có không ít DN chưa thực sự quan tâm đến việc này hoặc do e ngại thông tin về hàng giả sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên chấp nhận... sống chung với hàng giả.

Và có thể thấy, một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp mà các DN dễ dàng bị xâm phạm và cần phải quan tâm nhất hiện nay, đó là nhãn hiệu hàng hóa (thương hiệu).

Trên thị trường, các sản phẩm càng có uy tín, thì thương hiệu càng dễ bị làm giả, làm nhái.

Cụ thể, khi lực lượng quản lý thị trường phát hiện một trường hợp sản xuất dầu gội giả, khi liên hệ với công ty sản xuất nhờ công ty thông tin thêm cho người tiêu dùng nhận biết hàng thật- hàng giả nhưng công ty này né tránh bởi “người tiêu dùng nghe nói đến nhãn hiệu này làm giả là sẽ không xài tới nữa, nên... thôi”.

Hàng nhái, hàng giả, vi phạm quyền SHTT không chỉ từ những mặt hàng may mặc như quần áo, giày dép, túi xách, đồ chơi… mà còn đến những mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm…

Không chỉ xuất hiện ở các chợ nhỏ mà hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT còn tràn vào các cửa hàng, thậm chí là các trung tâm thương mại lớn.

Với sự phát triển của khoa học- công nghệ, kỹ thuật làm hàng hóa giả, nhái tinh vi, những sản phẩm nhái, giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu làm cho người tiêu dùng phải “bó tay”. 

Trong khi người tiêu dùng còn hạn chế về thông tin để phân biệt được hàng giả, hàng nhái với hàng thật, chưa nhận biết được nhãn hiệu hàng hóa có chất lượng tốt. Hơn nữa còn do tâm lý thích mua hàng giá rẻ hơn, ít quan tâm đến chất lượng...

Cô Nguyễn Thị Ba- tiểu thương bán tạp hóa chợ Song Phú (Tam Bình) cho hay: “Thường thì ngoài nhân viên tiếp thị đến giao hàng tận nơi, cũng có nhiều người đến mời mọc nhập hàng giá rẻ nói là hàng công ty đang giảm giá, xả kho, tôi thấy nhiều loại y chang nhau nên cũng không biết đâu là thật, đâu là giả”.

Cần có sự chung tay của DN

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), hiện nay các hành vi vi phạm về SHTT ngày càng phổ biến và tập trung nhiều nhất là các hành vi xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhái- giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý như: sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ, nhãn hiệu nổi tiếng; sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ làm cho người tiêu dùng hiểu sai nguồn gốc của sản phẩm; sao chép và cài đặt bất hợp pháp các loại phần mềm, băng đĩa in nhân bản lậu…

Ông Trương Phi Long- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Số 6- cho biết với sự hội nhập và phát triển nhanh của nền kinh tế trong nước làm cho thị trường hàng hóa càng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại thì các loại hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, vi phạm về SHTT càng có điều kiện xâm nhập thị trường nước ta.

Có thể nói hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường đều có khả năng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng song hành và gần như không có loại hàng hóa nào tránh khỏi nguy cơ bị làm giả, làm nhái.

Nó có thể là nguồn gốc trong nước nhưng cũng có thể từ nước ngoài, do Việt Nam có chung đường biên giới rất dài với Trung Quốc.

Vì vậy, ngoài công cụ pháp lý, chế tài xử phạt nghiêm minh còn cần đến việc phối hợp chặt chẽ giữa các DN sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng mới có thể từng bước loại dần hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm SHTT ra khỏi thị trường. DN cần đồng hành trong cuộc chiến này, qua việc thông tin cách nhận biết thật- giả đến người tiêu dùng, đồng thời nên phối hợp tuyên truyền đến các tiểu thương không tiếp tay tiêu thụ hàng giả.

Đó là một trong những cách giúp DN bảo vệ và phát triển thị phần của mình, đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Song song đó, người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình kiến thức nhận biết để phân biệt hàng thật và giả được bày bán trên thị trường.

Từ năm 2009 đến tháng 5/2017, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên 200 vụ việc vi phạm về SHTT với số tiền trên 2 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm ước trị giá trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT không xác định được giá trị.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh