Doanh nghiệp nào bị thanh- kiểm tra hơn 1 lần trong năm, hãy thông tin cho lãnh đạo tỉnh

07:05, 24/05/2017

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- về quan điểm và những hành động của tỉnh Vĩnh Long để đồng hành cùng DN và tạo điều kiện khuyến khích khởi nghiệp.

Kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mới sau hội nghị Trung ương 5 và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “nói phải đi đôi với làm” tại hội nghị với doanh nghiệp (DN) năm 2017, đã làm nức lòng giới doanh nhân và cộng đồng DN. Kinh tế tư nhân đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính vì thế, xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, không chỉ là tinh thần hành động của Đảng, Nhà nước mà còn là mong muốn của cộng đồng DN, người dân.

Ảnh: THANH TÂM
Ảnh: THANH TÂM

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- về quan điểm và những hành động của tỉnh Vĩnh Long để đồng hành cùng DN và tạo điều kiện khuyến khích khởi nghiệp.

* Thưa ông, tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ- theo ông- có ý nghĩa như thế nào trong việc khuyến khích và cổ vũ tinh thần cho cộng đồng DN trong giai đoạn hiện nay?

- Trước hết, Nghị quyết Trung ương 5 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đối thoại DN vừa qua là sự ghi nhận của Đảng và chính quyền về vai trò của cộng đồng DN không những trên mặt trận kinh tế mà còn nhiều lĩnh vực như văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh,…

Trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, sự ghi nhận trên vừa là động lực vừa tạo niềm tin cho DN về một cơ chế chính sách hoàn thiện khuyến khích hỗ trợ DN trong thời gian tới. Điều này không những giúp DN vững vàng hơn khi hội nhập mà còn tạo xu hướng thuận lợi để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.

* Thời gian qua, Vĩnh Long đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, thu hút đầu tư… thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 đạt thứ hạng cao.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều bất cập trong quản lý, điều hành gây phiền hà cho DN, nhà đầu tư. Vậy tỉnh Vĩnh Long sẽ có những giải pháp như thế nào để tạo môi trường, hệ sinh thái đầu tư tốt hơn nữa thu hút đầu tư và hỗ trợ hiệu quả hoạt động của DN?

- Ở đây, tôi muốn chia sẻ một số nội dung, phản ánh của DN về sự phiền hà của chính quyền là luôn tồn tại, dù là ở một nước đang phát triển hay nước phát triển.

Nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta làm gì để đánh giá mức độ phiền hà, gây khó khăn cho DN? Đồng thời có hay không một địa chỉ để DN có thể giải bày những khó khăn vướng mắc của họ.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã và đang thực hiện các giải pháp trên, tuy không “rầm rộ”, nhưng tôi đánh giá là khá tốt, như việc UBND tỉnh tổ chức đối thoại mỗi quý một lần, mời tất cả các DN trên địa bàn thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chúng tôi công bố đường dây nóng là số điện thoại của Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến ngẫu nhiên ít nhất 300 DN về thái độ phục vụ của các sở, ban ngành tỉnh.

Chúng tôi xem đó là kênh thông tin 2 chiều, DN vừa giải quyết được khó khăn, lãnh đạo tỉnh vừa có một kênh thông tin quan trọng để phục vụ cho công tác điều hành hỗ trợ DN.

* Rất nhiều DN đồng tình và hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng: “Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng”. Riêng ở Vĩnh Long, thực trạng này đã được chấn chỉnh và thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Tháng 10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký, trong đó bao gồm nội dung phối hợp thanh tra, kiểm tra về một đầu mối, hàng năm các sở ngành đều xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra gửi về Thanh tra tỉnh để thực hiện, đảm bảo thực hiện nghiêm thanh tra chỉ 1 lần/năm trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Đối với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại đối thoại DN, tỉnh sẽ tiếp thu và tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương không mở rộng đối với các trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN tập trung hoạt động sản xuất.

Trong thời gian tới, nếu DN nào trên địa bàn tỉnh bị thanh- kiểm tra hơn 1 lần trong 1 năm, có thể thông tin cho lãnh đạo tỉnh thông qua đường dây nóng để kịp thời xử lý và chấn chỉnh.

* Như vậy, đối thoại chính là kênh để lãnh đạo tỉnh nắm bắt thông tin để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN phải không, thưa ông?

- Như đã nói trên, “đối thoại” là giải pháp để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN. Hầu hết những kiến nghị thỏa đáng của DN thời gian qua thông qua đối thoại đều được xử lý và tháo gỡ.

Riêng những vấn đề khó liên quan đến quy định và thẩm quyền của Trung ương, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là luôn “kiên trì, đồng hành cùng DN”, để xin ý kiến chỉ đạo của trung ương tháo gỡ khó khăn cho DN.

* Từ những chủ trương, việc làm tích cực trên đây, trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ làm gì và có những quyết sách, hành động như thế nào để hỗ trợ DN phát triển và khuyến khích người dân khởi nghiệp?

- Chương trình khởi nghiệp tỉnh đã ban hành trong năm 2017 và cho cả giai đoạn 2017- 2020, theo đó tỉnh sẽ hình thành và giao nhiệm vụ cho một số đơn vị phụ trách khởi nghiệp, xây dựng các chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa như: bổ sung kiến thức về khởi nghiệp, hỗ trợ tư vấn thành lập DN, tư vấn pháp lý, mở các lớp về quản trị DN, tìm kiếm thị trường và dự kiến hỗ trợ về tài chính thông qua thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Mục tiêu quan trọng nhất mà Chương trình khởi nghiệp năm 2017 mong muốn là bước đầu hình thành nên ý chí và quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội của người dân đặc biệt là các bạn trẻ.

* Trân trọng cảm ơn ông.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh