Thủ tướng: Tránh tình trạng Việt Nam thành bãi rác ô tô cũ

01:04, 08/04/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi đến thăm nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Hyundai Thành Công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi đến thăm nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Hyundai Thành Công.

Lãnh đạo công ty giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sản phẩm ô tô do công ty lắp ráp.
Lãnh đạo công ty giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sản phẩm ô tô do công ty lắp ráp.

Trong khuôn khổ chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình, sáng 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Hyundai Thành Công, đơn vị lắp ráp ô tô quy mô lớn thứ hai của nước ta.

Thành lập năm 1999, đến năm 2016, Công ty đã tạo việc làm cho 5.000 người, doanh thu gần 20.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 7.200 tỉ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và phân phối xe du lịch.

Từ năm 2009, công ty là đối tác chính của Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc, lắp ráp và phân phối các sản phẩm xe ô tô Hyundai du lịch Việt Nam. Tính đến năm 2016, công ty đứng thứ hai thị phần về xe du lịch với doanh số 36.500 xe. Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô du lịch công suất 52.000 xe/năm, nhà máy sản xuất xe khách, xe bus, xe mini bus công suất 18.000 xe/năm và sản xuất linh kiện phụ trợ.

Mới đây, công ty đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc về việc đầu tư Trung tâm sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường ASEAN.

Công ty cũng chủ động xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện phụ trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 10.600 tỷ đồng, đầu tư tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Một số loại xe sản xuất ra hướng đến sử dụng năng lượng sạch, tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5.

Theo đại diện Bộ Công thương, việc công ty hợp tác với Hyundai Motor Hàn Quốc sản xuất dòng xe du lịch ở Việt Nam là khả quan, nhất là trong bối cảnh ở Đông Nam Á chưa có nhà máy sản xuất ô tô du lịch nào của hãng Hyundai. Do đó có cơ hội tiêu thụ không chỉ thị trường trong nước mà xuất khẩu sang các nước ASEAN. Với sự phát triển mạnh mẽ những năm qua, công ty đang đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sản xuất ô tô không chỉ đơn thuần là làm ra chiếc ô tô mà còn là thương hiệu quốc gia, nhất là với quốc gia đang hướng tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa và dân số trên 50 triệu dân. Do vậy chủ trương của Việt Nam là sản xuất ô tô thành công theo chiến lược mà Thủ tướng đã phê duyệt. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Công ty Thành Công cùng với các nhà máy lắp ráp ô tô tại Quảng Nam, Vĩnh Phúc đã có những kết quả bước đầu đáng mừng.  

Thành Công cũng đã đầu tư gần nửa tỉ USD vào các công đoạn quan trọng của lắp ráp ô tô, có nhà xưởng tương đối hiện đại, giải quyết nhiều lao động; chú ý bảo vệ môi trường khi ô tô sản xuất ra đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 4, 5; chất thải không ảnh hưởng đến môi trường; công nghệ sản xuất đã có nhiều khâu tự động hóa cao; chủ động sản xuất được một số phụ tùng; đã liên doanh liên kết với các hãng ô tô lớn trên thế giới để lắp ráp xe tại Việt Nam.

Nhấn mạnh việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là cần thiết, Thủ tướng nêu rõ, một chiếc xe ô tô có tới trên 800 chi tiết, cho nên sẽ cần nhiều nhà máy sản xuất phụ tùng, chi tiết phục vụ sản xuất ô tô. Thủ tướng đánh giá cao Thành Công nhen nhóm ý tưởng sản xuất các phụ tùng ngay tại thị trường trong nước.  

Với việc Thành Công đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô lớn và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác, phân công sản xuất, cùng nhau có lợi và cũng phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh đây là hướng đi cần thiết, kể cả hợp tác trong nước và quốc tế.   

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng Thủ tướng nêu rõ, hiện nay Thành Công mới chủ yếu lắp ráp, cần đầu tư sản xuất phụ tùng để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí, nhất là đến năm 2018, các dòng thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%. Việc sản xuất chi tiết, phụ tùng không chỉ sản xuất tại Ninh Bình mà còn phân công sản xuất ở các địa phương khác như Hà Nam, Nam Định.

Cho rằng thị phần ô tô của Thành Công còn ít, theo Thủ tướng, Công ty nên cần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, kể cả xuất khẩu để nâng cao doanh số; nghiên cứu để đưa ra dòng sản phẩm riêng biệt, nhất là hợp tác với Hyundai để sản xuất xe du lịch là rất quan trọng.

Trong thời gian tới, Thủ tướng cũng đề nghị Thành Công tiếp tục bám vào Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được ban hành; tính toán phân khúc thị trường để chọn các dòng xe mà Công ty có thế mạnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, sản xuất các phụ tùng ô tô quan trọng, tiến tới sản xuất động cơ ô tô và các sản phẩm cơ khí khác không chỉ của ô tô.

Cùng với đó là tính toán để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ASEAN. Công ty cũng cần tiếp tục phối hợp, liên kết với các nhà sản xuất khác, phân công sản xuất, nâng cao hiệu quả và cùng có lợi. Trong hội nhập quốc tế, Thành Công cần đặt ra bài toán có thể tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô.   

Nhấn mạnh việc chủ động sản xuất được ô tô trong nước, bảo vệ và phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước là rất quan trọng, tránh tình trạng nhập khẩu ô tô cũ, có thể khiến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới về ô tô cũ, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Công thương thành lập tổ công tác để rà soát và đề xuất chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Chính sách đó phù hợp với thông lệ quốc tế, không phải là hỗ trợ “đỏ” mà hỗ trợ “xanh” không vi phạm pháp luật, không bao cấp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty Thành Công hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất./.

Theo Vũ Dũng/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh