Khi thương hiệu gạo Tâm Việt của Công ty TNHH 1TV nuôi trồng nông thủy sản Tâm Việt, do Tiếng thành lập và làm giám đốc ra thị trường, nhiều người mới ngộ ra rằng "khùng như Tiếng rất đáng khùng".
Có lẽ câu chuyện của chàng hai lúa Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) trồng lúa sạch hẳn mọi người chưa quên.
Người cùng xóm của anh thường gọi anh là Tiếng “khùng”, bởi kinh nghiệm làm nông không có, vốn kiến thức lĩnh vực này càng không. Nhưng sự quyết tâm của Tiếng đã chinh phục mọi nghi ngại.
Và khi thương hiệu gạo Tâm Việt của Công ty TNHH 1TV nuôi trồng nông thủy sản Tâm Việt, do Tiếng thành lập và làm giám đốc ra thị trường, nhiều người mới ngộ ra rằng “khùng như Tiếng rất đáng khùng”.
Loại lúa Tiếng chọn để “khởi nghiệp” là giống lúa thơm Nàng Hoa 9. Giống này được dự báo trước là sẽ thu hút nhiều loại côn trùng, dịch hại.
Tuy nhiên, “lấy độc trị độc”, Tiếng tận dụng tối đa những loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên như cá, ếch, nhái cùng với việc nuôi hàng ngàn con vịt để tấn công và tiêu diệt dịch hại mà không cần sự can thiệp của hóa chất, thuốc trừ sâu.
Và cuối cùng Tiếng đã thành công. Ban đầu chỉ hơn 1ha của gia đình thôi, nhưng nay với sự giúp sức của người thân, bạn bè, trợ lực của doanh nghiệp, sự “hà hơi, tiếp sức” động viên từ tinh thần đến vật chất của chính quyền, đoàn thể... cánh đồng Tâm Việt giờ đã hơn 40ha.
Từ xứ Đồng Tháp Mười, gạo sạch của công ty Tiếng đã được phân phối tại các phiên chợ xanh ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Mà như Tiếng chia sẻ: gạo làm ra là đã có khách hàng đặt mua hết!
Chính cách khởi nghiệp đầy tự tin, bản lĩnh của chàng “Ngựa ô can trường” (nickname của Tiếng) đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan là người luôn cổ vũ cho Tiếng trên con đường thực hiện giấc mơ lúa sạch của mình. Thậm chí, ông còn viết email rao hàng giúp Tiếng.
Mô hình lúa sạch Tâm Việt là khởi đầu cho xu hướng chuyển sang sản xuất sạch và tiến tới kinh doanh nông nghiệp. Hy vọng rồi đây sẽ được nhân rộng ra tại rất nhiều địa phương.
Dẫu biết rằng, không có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhưng từ câu chuyện của Tiếng ngẫm lại mới thấy, đổi mới đôi khi đơn giản chỉ là… quay về cái cũ, nhưng ở mức độ cao hơn và phải đúng thời điểm, hợp lý, đúng xu hướng của thời đại. Nếu đi ngược lại sẽ phải trả giá!
Sản xuất nông sản hiện nay đã qua rồi thời ăn cho no, bây giờ thì ăn phải ngon, sạch và an toàn. Vì thế, chuyện khởi nghiệp của Tiếng rất đáng suy ngẫm!
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin