"Muốn nâng chỉ số PCI, phải đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp"- đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh trong hội nghị phân tích chỉ số PCI tỉnh Vĩnh Long năm 2016, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
“Muốn nâng chỉ số PCI, phải đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp”- đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh trong hội nghị phân tích chỉ số PCI tỉnh Vĩnh Long năm 2016, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Với sự quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, Vĩnh Long đã thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư lớn. Như dự án Trung tâm Thương mại- dịch vụ nhà ở của Tập đoàn Vincom với số vốn đăng ký 485 tỷ đồng, sắp đi vào hoạt động.Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Những tín hiệu đáng mừng
Năm 2016, kết quả PCI của tỉnh Vĩnh Long đạt 62,76 điểm, đứng hàng thứ 6 trong cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực ĐBSCL.
Theo đó, đã có nhiều thay đổi về điểm số và thứ hạng năm 2015- 2016. Cụ thể, về chi phí gia nhập thị trường, Vĩnh Long đã tăng 0,74 điểm, tính minh bạch tăng 0,48 điểm, tính năng động tăng 0,42 điểm, đào tạo lao động tăng 0,62 điểm và dù chỉ số tiếp cận đất đai có giảm 0,02 điểm so với 2015 song Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số này với 6,99 điểm...
Việc khôi phục thứ hạng và nằm trong top dẫn đầu là quyết tâm rất lớn của Vĩnh Long để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt.
Điều này cũng là điều kiện mà tỉnh quan tâm để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương. Với thái độ, tinh thần đó, nhiều đại biểu tham gia hội nghị phân tích đánh giá PCI đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề đã đạt được và những vấn đề còn thiếu, yếu.
Theo PGS. TS. Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nếu so với trong vùng ĐBSCL, chỉ có Vĩnh Long và Đồng Tháp được xếp thứ hạng cao, có năng lực cạnh tranh ở mức “rất tốt”, thứ hạng này vượt xa so với các tỉnh trong vùng.
Đây là một nỗ lực rất lớn của Vĩnh Long, là một tín hiệu mừng, hứa hẹn sẽ thu hút được sự hình thành và phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp để từ đó tạo sự tăng trưởng mạnh hơn cho tỉnh.
PGS. TS. Trần Kim Chung phân tích: Mối quan hệ giữa quy hoạch, cơ cấu lại kinh tế với PCI của tỉnh rất chặt chẽ với nhau.
Khi thực hiện tốt quy hoạch và cơ cấu lại kinh tế của tỉnh thì sẽ góp phần nâng cao thứ hạng PCI, bởi vì rất nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch và cơ cấu lại sẽ góp phần cải thiện các chỉ số thành phần tạo thành PCI, ví dụ như các chỉ số: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch.
Ngược lại, khi chỉ số PCI được nâng lên, đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư cho khu vực doanh nghiệp được cải thiện. Nó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội; đây là mục tiêu của quy hoạch và cơ cấu lại kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của một tỉnh còn phụ thuộc vào các thành phần kinh tế khác, trong đó có doanh nghiệp. Vì thế, một tỉnh có khu vực doanh nghiệp đông thì mối quan hệ giữa quy hoạch, cơ cấu lại với PCI càng chặt chẽ hơn.
Cũng theo PGS. TS. Trần Kim Chung, trong 5 năm tới, kinh tế thế giới, trong nước và khu vực ĐBSCL tiếp tục được phục hồi; sự phát triển mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh, của TP Cần Thơ sẽ tác động lan tỏa đến Vĩnh Long nhiều hơn; sự quan tâm của Đảng và Chính phủ ngày càng nhiều hơn cho nông nghiệp- mà Vĩnh Long là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.
Còn ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long chia sẻ: “Các doanh nghiệp tư nhân của Vĩnh Long đang đóng góp 42% ngân sách địa phương (khu vực FDI đóng góp 5%), giải quyết hơn 33.000 việc làm. Năm 2016, đã có thêm 288 doanh nghiệp mới. Nếu doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, kinh tế của địa phương sẽ phát triển”.
Còn nhiều thử thách
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Trần Kim Chung, khi phân tích sâu các chỉ số thành phần của PCI tỉnh Vĩnh Long cũng cho thấy một số điều cần lưu ý. Một số chỉ tiêu còn có điểm số tương đối thấp, còn cách xa so với tỉnh đạt điểm cao nhất trong cùng chỉ số.
Sự biến động điểm số cả ở chỉ số PCI toàn thể cũng như ở một số chỉ tiêu cấu thành nên PCI tổng thể là còn rất lớn, chưa ổn định. Những điều cần lưu ý này rất có thể PCI năm sau và những năm sau nữa khó giữ được thứ hạng như năm 2016.
Cụ thể, cần rà soát lực lượng lao động hiện có trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại lao động cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là lực lượng lao động phục vụ trong các lĩnh vực, phát triển sản phẩm có lợi thế của tỉnh.
Thêm vào đó, cần gia tăng số lượng và chất lượng lao động nghề cho phát triển nông nghiệp và nông thôn thông qua việc mở rộng hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng thời, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: cần phải xác định rõ mình đang ở đâu, mình là ai bởi sắp tới đây dự đoán Vĩnh Long sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, khi có khả năng trở thành “ốc đảo” bởi các tuyến giao thông quan trọng hầu như sẽ không còn qua Vĩnh Long.
Thêm vào đó, ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cũng là một thử thách lớn. Do đó, để giữ vững kết quả đạt được và nâng PCI của tỉnh, phải đồng hành sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Đồng thời, nâng nhận thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong xây dựng môi trường thân thiện, chuyên nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch.
THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin