Kinh doanh sách cũ: Một vốn bốn lời!

03:04, 22/04/2017

Nếu khoảng 5 năm trước, sách cũ phần lớn được các gia đình bán cho các xe ve chai đồng nát tính bằng ký hoặc mục đích làm từ thiện… thì hiện tại, sách cũ thực sự "vô giá".

Nếu khoảng 5 năm trước, sách cũ phần lớn được các gia đình bán cho các xe ve chai đồng nát tính bằng ký hoặc mục đích làm từ thiện… thì hiện tại, sách cũ thực sự “vô giá”.

Gian hàng sách cũ của ông Thiện trong Hội sách ở Cần Thơ. Hiện ông Thiện cũng có một trang facebook riêng để bán online.
Gian hàng sách cũ của ông Thiện trong Hội sách ở Cần Thơ. Hiện ông Thiện cũng có một trang facebook riêng để bán online.

Sự trở lại cùng những trang sách cũ

Có mặt tại gian hàng bán sách cũ nằm ở vị trí đẹp của Hội sách Cần Thơ 2017 vừa qua, hình ảnh ấn tượng đối với tôi là không ít bạn trẻ miệt mài đọc những trang sách đã vàng ố màu thời gian.

Bạn Võ Ngọc Mai- sinh viên Khoa Sư phạm, ĐH Cần Thơ chia sẻ, sách cũ có rất nhiều điều hay. “Không chỉ gặp trên đó những kỷ niệm của chủ nhân cũ hoặc của cả tác giả cuốn sách, mà bên cạnh đó, cách dịch, cách viết của người xưa cũng rất gần gũi, chân phương. Có những phong cách viết mà hiện nay rất ít gặp”.

Nói đoạn, Mai đưa tôi xem quyển “Óc sáng suốt” (loại sách học làm người) của tác giả Nguyễn Duy Cần (NXB Khai trí- XB năm 1951), Mai nói “cách viết này giờ hiếm gặp lắm”.

Cũng như Mai, rất nhiều người lớn tuổi đang tìm về với sách cũ. Những trang sách ố vàng theo thời gian như còn lưu giữ những kỷ niệm một thời mà các cô chú ấy đã học dưới các mái trường đại học, hay trung học thuở xưa.

Những quyển sách có thể lạ, có thể quen, nhưng đã chu du nhiều nơi, thậm chí có lúc dòng sách cũ bị lãng quên trong lặng lẽ.

Chính vì xu thế quay trở về cùng sách cũ cho nên việc buôn bán, kinh doanh sách cũ cũng mang lại cho không ít người nguồn kinh tế khá.

Ông Trần Văn Thiện- người bán sách cũ lâu năm ở Cần Thơ- chia sẻ: Qua Hội chợ sách 2017 vừa rồi, ông “thu hoạch tốt”. Có người đến mua đơn hàng lên tới vài triệu đồng.

Một phần vốn hơn bốn phần lời

Nguyễn Văn Thê- sinh viên chuyên ngành lịch sử học ở ĐH Cần Thơ có niềm đam mê đọc sách và mua sách nên hễ nghe đâu có sách bán là Thê phải lặn lội tới.

Mua nhiều, sưu tầm cũng nhiều. Cũng từ việc này, Thê nhận thấy cần có sự trao đổi để đầu sách sưu tầm được phong phú và các bạn sưu tầm khác cũng có đủ bộ để thỏa đam mê.

Cùng thời điểm này, trang mạng xã hội facebook phát triển, Thê đã mở trang cá nhân chuyên bán, trao đổi sách cũ. Sau 2 năm bán sách cũ, Thê cho biết “không ngờ kinh doanh được lắm”.

Theo Thê thì người mua sách cũ không nề hà giá cả, chưa bao giờ có ai trả giá “cò kè thêm bớt” bao giờ. Quy tắc mua sách trên trang mạng là người đăng sách lên, ghi cụ thể tên sách, năm xuất bản, hiện trạng, giá bán.

Ai đặt mua trước, người đó được hàng. Giao dịch chuyển qua ngân hàng, sách được gửi tới địa chỉ người nhận. Nhanh, gọn, và rất hiện đại.

Thê cho biết, mỗi tháng bạn bán không dưới 50 quyển sách. Về giá cả thì tùy theo hiện trạng của sách, năm xuất bản, nhà xuất bản, loại sách… Song như Thê tâm sự, “một vốn lời hơn bốn lần”.

Nguyễn Thành Vinh cũng là một người trẻ kinh doanh sách cũ được gần 5 năm. Vinh có một cửa hàng bán sách cũ ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh nhưng việc kinh doanh ở cửa hàng cố định cũng “năm ăn năm thua”.

Có những cuốn sách nằm trên kệ cả chục năm chưa ai đụng tới. Thêm vào đó là người đi tìm mua sách cũ, khi vào cửa hàng như vào mê cung, không biết đường tìm các loại sách mình yêu thích.

Nhưng từ khi kinh doanh trên mạng xã hội, mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”. Vinh cho hay, “có nhiều cuốn sách vừa đăng lên, chưa đầy 5 phút đã có người “đặt gạch”, y như là những người sưu tầm sách cũ lúc nào cũng thường trực trên mạng vậy”.

Là một người đam mê sưu tầm sách cũ, anh Phan Hoàng Huấn (TP Vĩnh Long) tâm sự, trừ khi làm việc, đi ăn và đi ngủ. Thời gian còn lại, facebook luôn được mở để những trang bán sách cũ (đã được cài đặt theo dõi), hễ đăng sách lên là phải vào xem liền.

“Có những cuốn sách mình mua không kịp, tiếc không ngủ được”. Anh Huấn cho biết việc sưu tầm sách rất cực, nhưng nó thành niềm yêu thích rồi nên cứ theo, “ví dụ như “Ông cố vấn- hồ sơ một điệp viên” của tác giả Hữu Mai chẳng hạn, bộ 3 cuốn mà mình chỉ có được 2, nên phải “canh me” xem ai có là phải đớp liền”.

Nhiều khi người ta có trọn bộ, mình phải mua hết, để đủ bộ của mình, rồi từ từ trao đổi với mấy bạn sưu tầm còn thiếu chẳng hạn.

Với nhiều người yêu và đam mê sách cũng như người bán sách, quan trọng vẫn là chữ tín. Người mua sách ít khi nào đặt hàng một cách bừa bãi.

Còn người bán sách, cũng vì muốn giữ chữ tín, giữ mối nên cũng khá nghiêm túc trong cách định giá, báo tình hình sách và đảm bảo gửi đúng tiến độ. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc bán sách cũ trên mạng hiện nay rất đỗi dễ dàng.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh