Tiềm năng từ xuất khẩu trái cây

06:03, 30/03/2017

Trong khi thị trường xuất khẩu lúa gạo, cá tra đang "mắc kẹt" do các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, thì xuất khẩu trái cây được xem là "cứu cánh" cho phát triển ổn định nông nghiệp và nông thôn.

Trong khi thị trường xuất khẩu lúa gạo, cá tra đang “mắc kẹt” do các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, thì xuất khẩu trái cây được xem là “cứu cánh” cho phát triển ổn định nông nghiệp và nông thôn.

Trái cây chinh phục nhiều nước nhập khẩu “khó tính” nhờ sản xuất an toàn.
Trái cây chinh phục nhiều nước nhập khẩu “khó tính” nhờ sản xuất an toàn.

Chinh phục thị trường khó tính

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, xuất khẩu rau quả năm qua đã vượt kim ngạch xuất khẩu gạo và dầu thô. Trong đó, trái cây chiếm vị trí chủ lực với 30 loại phổ biến, nhiều loại đạt tỷ trọng cao và có giá trị xuất khẩu kỷ lục như thanh long, nhãn, dưa hấu, cam, ổi, mận, chuối.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả được ghi nhận bất ngờ khi đã vượt qua mặt hàng gạo với giá trị cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, trái cây chiếm vị trí chủ lực với trên 70%.

Dự báo thị trường xuất khẩu tới đây đầy khả quan, bởi thị trường khi trái cây từng bước chinh phục nhiều nước nhập khẩu “khó tính”.

Ngoài bưởi, nhãn thì thanh long, chôm chôm, vú sữa cũng đã vào được thị trường Mỹ với số lượng tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2015.

Riêng trái nhãn, chỉ tính tại thị trường Hoa Kỳ, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với hơn 750 tấn, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand.

Riêng ĐBSCL, việc canh tác cây ăn trái được áp dụng khoa học, kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng trái tăng lên, hình thành một số vùng chuyên canh trái cây đặc sản hàng hóa tập trung: xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và TP Cần Thơ; xoài Cát Chu ở Đồng Tháp; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre... Hiện toàn vùng có trên 288.000ha cây ăn trái, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn.

Đầu tư… từ gốc

Đặc sản bưởi Năm Roi của Vĩnh Long.
Đặc sản bưởi Năm Roi của Vĩnh Long.

Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trái cây Vĩnh Long sẽ trở thành một nhân tố mới đầy tiềm năng cho xuất khẩu. Bưởi Năm Roi từ lâu đã nức tiếng xa gần.

TX Bình Minh hiện có trên 1.900ha, tập trung ở các xã Mỹ Hòa, Đông Thành và Thuận An, cung cấp cho thị trường hàng năm trên 23.700 tấn, năng suất bình quân 30 tấn/ha. Từ đầu năm 2016 đến nay, nông dân trồng bưởi Năm Roi vui mừng khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Từ nay, duy nhất chỉ có bưởi Năm Roi được trồng ở TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được dùng tên “Bưởi Năm Roi Bình Minh”.

Để có được điều này là một chặng đường dài, rất nhiều dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực như: nâng cao năng suất, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao giá trị, chất lượng,…

Từ năm 2009 đến nay, diện tích bưởi được chứng nhận GlobalGAP và VietGAP liên tục tăng, hiệu quả kinh tế mang lại khả quan hơn.

Nhãn cũng là một trong những loại cây ăn trái có diện tích lớn, sản lượng nhiều của tỉnh. Ông Trần Huy Việt Hùng- Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng xã cù lao An Bình (Long Hồ) cho biết, tổ hợp tác có 12ha (22 hộ), quy trình đạt chuẩn VietGAP, sản lượng cung ứng 120- 140 tấn/năm. Mùa nhãn vừa qua, giá tốt, có đầu ra nên bà con phấn khởi.

Về mặt chế biến, dự kiến đến tháng 7/2017, nhà máy đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc tại khóm Đông Bình (phường Đông Thuận- TX Bình Minh) đưa vào hoạt động sẽ là nhân tố quan trọng làm tăng thêm giá trị nông sản, hoàn thiện chuỗi giá trị xuất khẩu.

Tuy vậy, khi đánh giá về khả năng xuất khẩu rau quả Vĩnh Long, TS. Nguyễn Hữu Đạt- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho rằng, tuy có năng suất, sản lượng đạt cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đạt yêu cầu.

Tỉnh cần phải làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, rau quả cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới. Điều này không chỉ liên kết để sản xuất hàng hóa lớn mà khi hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp sẽ hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh