Sính mua hoa quả nhập khẩu: Phí tiền chưa chắc đã an toàn

07:03, 07/03/2017

Vì sính ngoại nên nhiều người không biết rằng hoa quả nhập ngoại có loại giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg, thậm chí bằng giá rau bán ngoài chợ.

Vì sính ngoại nên nhiều người không biết rằng hoa quả nhập ngoại có loại giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg, thậm chí bằng giá rau bán ngoài chợ.

Hiện nay, phần lớn người Việt Nam mặc định, đã là hoa quả nhập ngoại thì giá bao giờ cũng cao, nhiều người chấp nhận bỏ tiền trăm, tiền triệu mua về ăn.

Tuy nhiên, vì sính ngoại nên nhiều người bị hớ nặng, họ không biết rằng hoa quả nhập ngoại có loại giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg, thậm chí bằng giá rau bán ngoài chợ.

Cùng một loại hoa quả nhập khẩu nhưng có giá bán rất khác nhau khiến gười tiêu dùng băn khoăn, liệu giá cả có đi kèm với chất lượng?

Mấy năm gần đây, hoa quả cao cấp nhập về Việt Nam không chỉ xuất xứ từ Australia, Mỹ, New Zealand,... mà còn có nguồn gốc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ai Cập, Nam Phi, Chile, Ecuador,...

Hoa quả nhập ngoại bán đầy siêu thị, các cửa hàng và cả các quầy ở chợ, thậm chí cả trên mạng facebook với những lời quảng cáo là hoa quả xách tay, nhập khẩu chính ngạch kèm cả hình ảnh tem nhãn có dòng chữ HACCP, GolbalGAP…

Các loại táo, lê Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị có giá khác nhau, mức giá chênh lệch rất lớn.
Các loại táo, lê Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị có giá khác nhau, mức giá chênh lệch rất lớn.

Tại một số cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu và các siêu thị như Klever Fruits, Big C, Metro, Hapro, Vinmart… hoa quả nhập khẩu có hàng chục loại với nhiều sản phẩm khá lạ lẫm với người tiêu dùng trong nước như Dưa Sapo, lê Nashi, táo Rubi.

Chỉ riêng tại hệ thống siêu thị Big C, các mặt hàng táo đã có đến gần 10 loại với giá dao động từ 69.900 – 103.900 đồng/kg.

Chị Vũ Thanh Lương, chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Lò Sũ (Hà Nội) cho biết, cửa hàng của chị hiện bán gần 30 loại quả, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Tây Ban Nha,… giá thấp nhất là 250.000 đồng/kg và cao nhất là 3 triệu đồng/kg.

“So với cách đây khoảng 4 năm thì giá các loại trái cây nhập khẩu đã giảm rất nhiều. Hiện tại có nhiều nhà phân phối nhận hàng với số lượng lớn, khiến giá thành hạ thấp.

Tuy nhiên về nguồn gốc người tiêu dùng khó mà phân biệt được vì hàng nhập Trung Quốc và hàng nhập xịn bị trà trộn”, chị Lương cho biết.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hoa quả nhập ngoại đang bị loạn giá, mỗi nơi một giá khác nhau. Cụ thể, với dòng hoa quả siêu cao cấp giá tiền triệu như dâu, nho mẫu đơn Nhật Bản, sầu riêng Malaysia, thanh long vàng, giá bán chênh nhau vài chục nghìn đồng.

Theo các cửa hàng, hoa quả nhập khẩu là hàng sạch, tươi ngon, lại hiếm nên khi nhập về Việt Nam qua đường xách tay hoặc đường hàng không thì chi phí đắt đỏ, giá bán ra vì vậy cũng bị đội lên khá cao. Tuy nhiên, có loại nguồn cung dồi dào mà giá vẫn chênh nhau từ 2 đến 2,5 lần.

Chẳng hạn, tại hệ thống cửa hàng Klever Fruits chuyên bán các loại hoa quả nhập khẩu, táo Gala Pháp có giá 99.000 đồng/kg, cam Austrlia 119.000 đồng/kg; cửa hàng hoa quả nhập khẩu Việt Anh trên phố Xuân Diệu bán lê nâu Hàn Quốc giá 160.000 đồng/kg, hệ thống cửa hàng Clever Food bán nho đen không hạt Nam Phi giá 179.000 đồng/kg...

Trong khi đó, cũng là những mặt hàng trên, tại một cửa hàng ở phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), giá lại rẻ hơn nhiều. Ví dụ như, táo Gala Pháp chỉ 39.900 đồng/kg, cam Australia 59.900 đồng/kg, nho đen không hạt Nam Phi chỉ 149.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 65.999 đồng/kg,...

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) khá bất ngờ vì trong cửa hàng này giá hoa quả nhập ngoại bán siêu rẻ. Đặc biệt, 1kg táo Gala của Pháp còn rẻ hơn giá 1kg súp lơ xanh ngoài chợ.

“Tôi rất hay mua các loại hoa quả nhập ngoại ở cửa hàng gần nhà hoặc đặt hàng online. Tuy nhiên giá hoa quả nhập khẩu thường đắt đỏ từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg, tùy loại. Rẻ nhất như nho đen không hạt Nam Phi lên đến 190.000 đồng/kg”, chị Huyền cho biết.

Với nhiều người tiêu dùng, hoa quả nhập ngoại mà họ chọn mua giá rẻ nhất cũng phải tiền trăm, không thì tiền triệu. Tuy nhiên, trước ma trận các loại hoa quả nhập ngoại với các mức giá khác nhau như hiện nay, nhiều người tiêu dùng phải lựa chọn theo cảm giác.

Anh Trịnh Tuấn Tú, ở quận Hoàn Kiếm cho biết, nếu như trước đây, hoa quả nhập khẩu là mặt hàng xa xỉ, thì nay chỉ cần chạy ra chợ là cũng đã mua được mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu so sánh về giá thì có sự chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy người tiêu dùng sẽ khó biết về chất lượng.

“Hoa quả có giá 500.000 hay 300.000 đồng/kg không quan trọng, nhưng quan trọng là người mua có cảm giác tin tưởng ở cửa hàng nào sẽ mua ở cửa hàng đó.

Giá đắt chưa chắc đã an toàn, sợ nhất là mua phải hoa quả đội lốt nhập khẩu giá rẻ chủ yếu nhập từ Trung Quốc có ngâm tẩm hóa chất để biến quả cũ héo thành hàng tươi ngon”, anh Tú cho biết.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, rất nhiều loại quả nhập ngoại đang bị loạn giá, thậm chí giá chênh nhau cả trăm ngàn đồng. Để biết các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu có chênh giá bán với nhau hay không cần phải đưa giấy tờ, hóa đơn nhập khẩu ra so sánh.

Vì hiện nay các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc xuất xứ cũng như nhãn mác của những hàng hóa đó.

Hàng nhập tiểu ngạch thường là hàng không được kiểm soát chất lượng. Mặt khác, một số cửa hàng lợi dụng tâm lí sính ngoại của người tiêu dùng có mức thu nhập cao, đã cố tình đẩy giá lên cao nhằm kiếm lời.

Vì vậy, để không bị hớ, bị mua hoa quả ngoại nhập với giá đắt, người tiêu dùng nên so sánh giá cả, chất lượng trước khi trả tiền.

“Thị trường hoa quả hiện nay có thể nói là như ma trận, nên các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra các hàng hóa hoa quả.

Không phải chỉ kiểm tra ở khâu bán lẻ, mà cái chính là kiểm soát từ khi nhập khẩu, từ khi sản xuất ở trong nước.

Người tiêu dùng nên đến những địa chỉ tin cậy, mua bán có hóa đơn chứng từ, được các cơ quan kiểm tra một cách rõ ràng”, ông Phú cho biết.

Hoa quả nhập khẩu chính ngạch cần đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, khối lượng lô hàng của cơ quan quản lý Nông nghiệp các nước, Tờ khai hải quan khi xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu của Chi cục kiểm dịch thực vật trong nước và tờ khai hải quan khi nhập khẩu.

Người tiêu dùng có quyền yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình các giấy tờ trên để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm trước khi chọn mua./.

Theo Bảo Ngọc/VOV-Trung tâm tin

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh