Lãi suất huy động VND tăng cao: Đâu là nguyên nhân?

06:03, 23/03/2017


 Sau một thời gian dài ổn định, vài ngày gần đây, lãi suất huy động VND lại được các ngân hàng thương mại đẩy lên cao. Lãi suất huy động tăng đáp ứng kỳ vọng của người gửi tiền, nhưng lại trở thành nỗi lo đối với doanh nghiệp cũng như người dân đang phải vay vốn ngân hàng. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Sau một thời gian dài ổn định, vài ngày gần đây, lãi suất huy động VND lại được các ngân hàng thương mại đẩy lên cao. Lãi suất huy động tăng đáp ứng kỳ vọng của người gửi tiền, nhưng lại trở thành nỗi lo đối với doanh nghiệp cũng như người dân đang phải vay vốn ngân hàng. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
 

Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Ảnh: Khánh Huy
Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Ảnh: Khánh Huy


Làn sóng tăng lãi suất

Tăng lãi suất ồ ạt, làn sóng lãi suất một lần nữa làm nóng thị trường tài chính - tiền tệ. Tốc độ tăng lãi suất của ngân hàng nhanh đến mức nhiều người đã nghĩ đến kịch bản của một cuộc đua lãi suất trong hệ thống các ngân hàng. Từ ngưỡng 7-7,8%/năm đối với kỳ hạn dài nhất, dưới 5%/năm với loại tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất cao nhất được các ngân hàng áp dụng đã tăng tốc lên 9,2%/năm, mức cao nhất của lãi suất VND sau nhiều năm thị trường yên ắng. 

Dẫn đầu làn sóng tăng lãi suất là các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), song mức lãi suất được gọi là "ngất ngưởng" cũng chỉ áp dụng chủ yếu cho các kỳ hạn dài, với khoản tiền gửi khá lớn. Chẳng hạn như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sau gần 2 tháng tăng lãi suất, gần đây ngân hàng này lại có thêm một lần điều chỉnh. Theo đó, với kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, mức gửi trên 5 tỷ đồng, VPBank áp dụng lãi suất 9,2%/năm, những kỳ hạn khác dao động trong khoảng 7,5% - 9,1%/năm. Mức lãi suất đối với những loại tiền gửi kỳ hạn ngắn hơn không tăng đến mức đột biến, nhưng cũng khá cao so với trước. Ví dụ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất với kỳ hạn ngắn 1-4 tháng là 5,4%-5,5%/năm; 6-9 tháng: 6,9%/năm.

Cùng với VPBank, nhiều ngân hàng khác cũng "chạy đua" lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) áp dụng lãi suất 8,88%/năm cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn trên 5 năm. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đưa ra chương trình huy động vốn với lãi suất ưu đãi, mức cao nhất 8,8%/năm. 

Hay Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) áp dụng lãi suất 8%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 24-36 tháng. Nhằm chạy đua với các ngân hàng áp dụng lãi suất cao cho những kỳ hạn dài, một số ngân hàng TMCP không ngần ngại đưa ra mức lãi suất hấp dẫn dành cho kỳ hạn ngắn hơn đối với chứng chỉ tiền gửi. Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6-18 tháng cũng được hưởng lãi suất cao nhất 8,2%/năm. Có ngân hàng còn chấp nhận trả lãi cao cho những loại chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 1 tháng.

Dù không quá "sốt sắng" tăng lãi suất huy động, song các ngân hàng TMCP nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc đua. Tuy nhiên, mức lãi suất được điều chỉnh khá thấp và chỉ áp dụng với những kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đầu tư - Phát triển (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đưa ra lãi suất 4,3-4,8%/năm cho kỳ hạn 1-4 tháng.

Chỉ để huy động vốn dài hạn

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sức ép lên mặt bằng lãi suất tăng, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục neo ở mức cao, cùng động thái bơm ròng vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy thanh khoản hệ thống không còn ở trạng thái dồi dào. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đang có những diễn biến tương đối tích cực, bởi đến cuối tháng 2 đạt gần 2% so với cuối năm 2016. Diễn biến tăng trưởng tín dụng khả quan trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dồi dào khiến mặt bằng lãi suất biến động, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ. 

Ngoài ra, các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với Thông tư 06 của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50%. Đó là chưa kể đến áp lực lạm phát tăng trong hai tháng đầu năm khiến các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất nhằm đáp ứng kỳ vọng của người gửi tiền... Tất cả những yếu tố trên cho thấy sức ép tăng lãi suất trong năm 2017 lớn hơn so với năm 2016. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi là vì đang cân đối lại nguồn vốn. 

Để đáp ứng Thông tư 06 của NHNN, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đây không phải là chạy đua lãi suất mà chỉ là động thái thông thường của các ngân hàng để huy động vốn dài hạn. Với thời hạn dài lên tới 5 năm việc đưa ra lãi suất cao cũng là điều dễ hiểu.

Lãnh đạo của các ngân hàng cũng thừa nhận, việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động là tất yếu, vì các ngân hàng cần chuẩn bị đủ nguồn vốn cho cả năm, nên phải tăng lãi suất huy động ngay từ đầu năm.

Theo Hà Linh (HNMO)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh