Giá cá tra tăng, thận trọng khi thả nuôi mới

03:03, 07/03/2017

Sau nhiều năm người nuôi liên tục thua lỗ do giá cá tra thấp, thời gian gần đây giá cá tra đang tăng mạnh, chạm ngưỡng 25.000 đ/kg. Với mức giá này, người nuôi đang có lời nên nhiều hộ thả nuôi trở lại. 

Sau nhiều năm người nuôi liên tục thua lỗ do giá cá tra thấp, thời gian gần đây giá cá tra đang tăng mạnh, chạm ngưỡng 25.000 đ/kg. Với mức giá này, người nuôi đang có lời nên nhiều hộ thả nuôi trở lại.

Giá cá tra liên tục tăng những tháng đầu năm do nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng.
Giá cá tra liên tục tăng những tháng đầu năm do nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng “chạy theo giá” thả nuôi ồ ạt rồi lại phải bán tháo.

Giá cá tra tăng vọt

Theo số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc nhiều yếu tố như tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác.

Giá cá nguyên liệu trong các tháng đầu năm 2016 luôn thấp 18.000-19.000 đ/kg, đến các tháng cuối năm dao động ở mức 22.000-23.000 đ/kg.

Đầu năm 2017, cá tra thương phẩm tại ĐBSCL liên tục tăng giá và đã chạm ngưỡng 25.000 đ/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra đang có lãi từ 4.000-5.000 đ/kg.

So với thời điểm cuối tháng 1/2017, giá cá tra nguyên liệu loại 1 (800 g/con) tăng khoảng 2.500 đ/kg, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do sản lượng giảm dẫn đến thiếu nguồn cung.

Cũng theo Hiệp hội Cá tra, thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng. Theo đó, giảm thị trường EU, ASEAN và tăng ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong. Hiện nay, có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến khoảng 138 thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong quý I/2017, nhu cầu nhập khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường sẽ tăng 20%. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra ở thị trường Châu Á, đặc biệt Trung Quốc sẽ tăng trưởng gấp rưỡi so thị trường Mỹ.

Theo số liệu từ các chi cục thủy sản các tỉnh ĐBSCL và Tổng cục Thủy sản, năm 2016, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL là 3.071ha (giảm 11% so năm 2015).

Tuy nhiên, năng suất lại tăng nên tổng sản lượng đạt 1.077.470 tấn (tăng 5%) với năng suất bình quân đạt 313 tấn/ha (năm 2015 là 285 tấn/ha). Nguyên nhân là số lượng cá quá lứa tăng và vẫn được thị trường Trung Quốc tiêu thụ một phần.

Chính vì sau nhiều năm người nuôi cá tra liên tục bị thua lỗ, nên khi giá cá tra tăng mạnh là yếu tố để người nuôi thả cá nuôi trở lại.

Dù vậy, ngành chức năng khuyến cáo nên tỉnh táo và thận trọng vì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn hồi giữa năm 2016, do giá liên tục tăng, nhiều hộ đã ồ ạt nuôi cá tra bán cho thương lái Trung Quốc, nhưng chỉ một thời gian ngắn, giá cá giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, khiến cho người nuôi lỗ nặng.

Trong khi đó, Mỹ vốn là thị trường tiêu thụ cá tra dẫn đầu, nhưng thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang đây lại đột ngột giảm mạnh.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn về thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn cùng với một số rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong năm nay.

Thận trọng thả nuôi mới

Bà Phạm Thị Thu Hồng: Riêng các cơ sở nuôi cá tra ở các huyện Mang Thít, Vũng Liêm và Trà Ôn, có khả năng nhiễm mặn ở thời điểm từ tháng 3 trở đi nên cần chú ý hạn chế thay nước cho các ao nuôi nếu nồng độ muối vượt quá 8‰.

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), giá cá tra hiện nay đang được đẩy lên cao, do thời gian dài lỗ lã khiến người dân không còn duy trì sản xuất, gây ra thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất cục bộ. 

Khuyến cáo người dân cần nắm tình hình dự báo thị trường, bà Phạm Thị Thu Hồng lưu ý: “Những cơ sở đã treo ao trước đó nay thả cá nuôi trở lại phải có liên kết sản xuất để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Do thời điểm đầu vụ, con giống có giá rất cao, chất lượng lại không đảm bảo. Vì vậy, phải thật lưu ý khi mua con giống, phải chọn nơi tin cậy và phải được kiểm dịch”.

Về vấn đề liên kết, bà Phạm Thị Thu Hồng thông tin, vừa qua chi cục đã làm cầu nối với Công ty Sao Mai (An Giang) trong việc liên kết tiêu thụ cá tra thương phẩm.

Vĩnh Long đã ký hợp đồng nguyên tắc bao tiêu giai đoạn đầu 20.000 tấn cá tra với các hợp tác xã sản xuất cá tra trong tỉnh. Theo đó, công ty này sẽ cung cấp thức ăn trong suốt quá trình nuôi và mua sản phẩm của nông dân.

Ở góc độ kỹ thuật, bà Phạm Thị Thu Hồng đưa ra khuyến cáo các cơ sở nuôi phải thực hiện tốt các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y thủy sản. Cần cải tiến kỹ thuật cho ăn để giảm hệ số thức ăn (FCR) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nếu giá cá có giảm thì rủi ro lỗ cũng được giảm thấp.

Nên áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn: 7 ngày ngưng 2 ngày hoặc 3 ngày ngưng 1 ngày thay vì ăn liên tục hàng ngày để giảm chất thải trong môi trường nuôi, từ đó hạn chế tác nhân phát sinh bệnh dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh mà vẫn đảm bảo tăng trưởng của cá và giảm giá thành sản xuất.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trở lại

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, dù sụt giảm trong tháng đầu năm, lũy kế kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản 2 tháng đầu năm 2017 của cả nước đã tăng trở lại, đạt 4,3 tỷ USD, tăng 1,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh