Cải cách thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư

03:03, 23/03/2017

Vĩnh Long đã và đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh tại địa phương.

 

Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Lê Sơn
Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Lê Sơn

Vĩnh Long đã và đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh tại địa phương.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, tính đến nay đã cấp mới 46 giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư, có 18 nhà đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn là 3.656,71 tỷ đồng và 314,21 triệu USD; diện tích đất công nghiệp cho thuê 197,53ha, đã thực hiện vốn trong nước là 1.338,81 tỷ đồng, đạt 36,61% so vốn đăng ký, ngoại tệ thực hiện là 121,12 triệu USD, đạt 38,55% so vốn đăng ký.

Riêng năm 2016, có 9 dự án đầu tư, trong đó 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 136,62 triệu USD và 31,7 tỷ đồng, diện tích đất thuê 26,05ha. Các ngành nghề đầu tư gồm sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, sản xuất thực phẩm, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản...

Hiện có 22 doanh nghiệp hoạt động (20 doanh nghiệp hoạt động ổn định, 2 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng), trong đó có 12 doanh nghiệp trong nước và 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về chỉ số, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), qua các năm Vĩnh Long liên tục đứng ở vị trí cao trong khu vực ĐBSCL và nằm trong tốp có môi trường đầu tư thông thoáng ở mức rất tốt của cả nước.

Ông Đặng Quang Tấn- Phó Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh- cũng đánh giá, công tác vận động thu hút đầu tư thời gian qua đạt kết quả khá tốt, suất đầu tư bình quân của các doanh nghiệp thứ cấp Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) hiện nay là 53,51 tỷ đồng/ha.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Các Khu công nghiệp đã tiếp xúc với 8 nhà đầu tư đến tìm hiểu kinh doanh, trong đó có 5 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Mục tiêu trong năm nay, sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu, tuyến công nghiệp đạt 82 triệu USD. 

Một trong những nỗ lực thu hút đầu tư là đẩy mạnh cải cách hành chính. Cụ thể, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp hiện được rút ngắn còn 7 ngày; điều chỉnh tên dự án, địa chỉ nhà đầu tư hoặc tên nhà đầu tư còn 2 ngày, cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng, thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật cho các nhà đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp trong 3 ngày…

Bên cạnh, thực hiện miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi mức thuế suất 10% áp dụng cho doanh nghiệp đầu tư các ngành chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn...

Ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh, với xu hướng đầu tư mới và mang tính khả thi cao, đặc biệt chú trọng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên và sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ.

Nhà đầu tư Úc- giới thiệu sản phẩm chiết xuất dầu cám gạo tìm hiểu đầu tư nhà máy tại Vĩnh Long.Ảnh: HOÀNG MINH
Nhà đầu tư Úc- giới thiệu sản phẩm chiết xuất dầu cám gạo tìm hiểu đầu tư nhà máy tại Vĩnh Long.Ảnh: HOÀNG MINH

Ông Đặng Quang Tấn cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Vĩnh Long.

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, ngoài nước nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Một số chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp cần biết

 

Đối với dự án có vốn đầu tư trong nước: hỗ trợ 50% chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư (khi dự án hoàn thành khối lượng xây dựng đạt 50% trở lên) nếu đầu tư vào ngành nghề thuộc danh mục lĩnh vực hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án (riêng đối với dự án không lập quy hoạch chi tiết xây dựng thì mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/dự án).

 

Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài: hỗ trợ 50% chi phí lập các hồ sơ, thủ tục cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án (riêng đối với dự án không lập quy hoạch chi tiết xây dựng thì mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/dự án) trừ các chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ 100% chi phí vé máy bay khứ hồi cho các doanh nghiệp khi tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài...

 

  • ™HOÀNG MINH
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh