Phong trào nuôi cá lóc nổi lên, một vài hộ nuôi nhỏ lẻ có lời, từ đó tạo phong trào nuôi rầm rộ trên vùng đất cồn. Đùng một cái, cá lóc thương phẩm rớt giá thê thảm, người nuôi cá lỗ nặng...
Cù lao Mây gồm 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành (Trà Ôn). Vùng đất này lâu nay vốn nổi tiếng là nơi trái ngọt cây lành. Người dân nơi đây đa số sống ổn định nhờ cây trái. Tuy nhiên, phong trào nuôi cá lóc nổi lên, một vài hộ nuôi nhỏ lẻ có lời, từ đó tạo phong trào nuôi rầm rộ trên vùng đất cồn. Đùng một cái, cá lóc thương phẩm rớt giá thê thảm, người nuôi cá lỗ nặng...
Theo thống kê của cán bộ nông nghiệp xã, trong năm 2016, xã Phú Thành có 42 hộ nuôi cá lóc với tổng diện tích 9,2ha mặt nước; xã Lục Sĩ Thành có 35 hộ nuôi cá lóc với 1,2ha. Hiện, tại xã Phú Thành có khoảng 10 hộ treo ao, xã Lục Sĩ Thành có tới hơn nửa số hộ nuôi cũng bỏ ao... lên bờ.
Nguyên nhân người nuôi cá lóc khóc ròng chính là giá thị trường đầu ra thấp hơn giá thành. Từ khoảng tháng 8- 9 âm lịch năm 2016 đến nay, thương lái đến ao mua cá lóc chỉ từ 24.000- 26.000 đ/kg, thấp hơn giá thành từ 5.000- 6.000 đ/kg.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi cá đã đến kỳ đạt trọng lượng xuất ao, nhưng còn neo lại để chờ giá, hàng ngày phải chịu lỗ chi phí thức ăn cho cá, nhưng đành phải neo. Do thua lỗ 2 mùa liên tục nên nhiều hộ thiếu nợ ngân hàng không còn khả năng trả. Thậm chí, có người bán đất để trả nợ vay mượn.
Ông Nguyễn Chí Cường- cán bộ nông nghiệp xã Phú Thành- hướng dẫn chúng tôi đến cồn Mái Dầm (ấp Mái Dầm, xã Phú Thành), nơi có đến hơn 30 hộ nuôi cá lóc. Kể chuyện người dân nuôi cá lóc, anh Cường lắc đầu than thở, bởi ba anh cũng đang lao đao vì nuôi cá lóc.
Ông Nguyễn Văn Lược (61 tuổi, ở ấp Mái Dầm) có 2 ao với tổng diện tích 2.500m2, đầu tháng 5 âm lịch năm 2016 thả 100.000 con giống.
Đến tháng 9 xuất ao với giá 26.000 đ/kg, lỗ 250 triệu đồng. Chưa chịu thua, sau thu hoạch ông thả lứa mới 100.000 con, đến nay cá đã đạt trọng lượng chuẩn (khoảng 800g), nhưng giá thương lái mua cũng chỉ 24.000- 25.000 đ/kg, nên đành phải neo lại, chịu lỗ tiền thức ăn. Ông tính, nếu bán ngay lúc này sẽ lỗ gần 300 triệu nữa...
Ông Trần Thanh Hải có 2 ao với diện tích 2.000m2, năm 2015, ông thả nuôi 120.000 con cá giống, sau 5 tháng nuôi thu được 45 tấn, bán được 46.000 đ/kg.
Đầu năm 2016, tiếp tục nuôi, đến kỳ thu hoạch cũng 45 tấn, bán giá chỉ 26.000 đ/kg, lỗ 180 triệu đồng. Chưa chịu thua, ông thế chấp 16 công đất vườn vay 500 triệu đồng, tiếp tục đầu tư nuôi cá.
Đến nay, cá tới kỳ thu hoạch nhưng thương lái chỉ mua giá 25.000 đ/kg, trong khi giá thành tới 30.000 đ/kg. Tính tới tính lui đợt này bán ngay sẽ lỗ hơn 200 triệu đồng, nên đành phải neo chờ giá.
“Mấy năm trước nuôi ít, thức ăn cho cá chỉ là cá vụn mua từ các giàn đáy, như vậy có lời, nhưng hơi cực. Sau này cho ăn thức ăn công nghiệp, khỏe hơn nên mở rộng thêm diện tích. Đùng một cái, giá cá rớt thê thảm, lỗ 5.000- 6.000 đ/kg. Rớt 2 vụ rồi, giờ chỉ biết khóc. Nợ ngân hàng không biết sao trả đây? Giờ chỉ mong sao Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ngân hàng khoanh nợ để cứu vãn...”- ông Hải thở than muốn khóc.
Ông Trần Văn Tuấn não ruột khi cho cá ăn cầm chừng để ngóng giá. |
Ông Trần Văn Tuấn có 5 công đất vườn, ông đào 2 ao nuôi cá hết 1.200m2. Năm 2016, ông thả 70.000 con giống, sau 5 tháng đầu tư, bán chỉ được 24.000 đ/kg, lỗ gần 100 triệu đồng.
“Năm ngoái lỗ, phải bán 2 công đất để trả nợ, còn dư chút đỉnh lại đầu tư nuôi tiếp để cầu may gỡ lại. Đợt này, cá tới kỳ thu hoạch nhưng lái mua chỉ 25.000 đ/kg. Thôi đành phải neo lại thời gian nữa chờ giá coi sao, chứ lỗ đợt này nữa chỉ có nước bán hết đất luôn quá”- ông Tuấn nghẹn lời.
Bí thư Đảng ủy xã Lục Sĩ Thành Nguyễn Thành Luân cho biết: Theo thống kê, toàn xã có 35 hộ tự phát nuôi cá lóc với tổng cộng 1,2ha mặt ao. Từ giữa năm 2016 đến nay, cá lóc thương phẩm ở mức thấp, thương lái chỉ mua 25.000 đ/kg, người nuôi lỗ khoảng 5.000 đ/kg. Có nhiều hộ vay vốn ngân hàng đầu tư, sau 2 đợt lỗ, giờ họ cũng chỉ biết than mà thôi.
Ông Nguyễn Chí Cường cho biết, năm 2002, ông Lê Văn Bự (Út Xị) là một trong những người tiên phong nuôi cá lóc trên xứ cồn Mái Dầm này. Lúc đầu nuôi nhỏ nhỏ, thấy lời nên dần dần mở rộng diện tích.
Bà con nơi đây thấy làm ăn được nên làm theo, dần dần thành phong trào. Tuy nhiên, người nuôi ngày càng nhiều, trong khi đầu ra không ổn định, phụ thuộc may rủi của thị trường. Năm 2013, Tổ hợp tác Nuôi cá lóc ấp Mái Dầm được thành lập, tuy nhiên tổ hợp tác cũng chỉ là tương trợ nhau thôi.
Năm 2016, Phòng Công thương huyện Trà Ôn hỗ trợ cho tổ hợp tác một máy sấy khô cá lóc. Mỗi lần sấy được 50kg cá, thu được 12,5kg khô. Lò sấy hợp vệ sinh, khô ngon, nhưng tiêu thụ cũng chưa nhiều, do chưa thành lập được hợp tác xã nên chưa đăng ký được thương hiệu.
Hiện, UBND xã đang nhờ huyện hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã để đăng ký thương hiệu, đưa khô cá lóc ra thị trường như một cứu cánh cho người nuôi cá...
Lâu nay, nông dân có thói quen thấy người khác làm được nên làm theo. Dần dần trở thành phong trào thì cung đã vượt cầu. Đến lúc ế hàng, dội chợ thì cùng thua lỗ, rồi chỉ biết thở than.
Trước đây, đã có nhiều “phong trào” như nuôi thỏ, nuôi dê, nuôi heo tộc... rần rần rộ rộ, rồi lại nhanh chóng tàn lụi. Lúc người tiên phong nuôi thì có lời, người sau làm theo thì... ôm nợ.
Lâu nay, người làm nông nghiệp tự phát, tự bơi như vậy nên chuyện ôm nợ, bán đất,… sau một thời gian trụ với nghề nuôi là khó tránh khỏi. Thiết nghĩ đây cũng là bài học, khi nông dân sản xuất trở thành phong trào thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm có định hướng cho nông dân, để sản xuất được ổn định.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin