Được cho là phát triển có "chu kỳ", ngành đóng tàu, xà lan sau giai đoạn khó khăn nay trên đà phục hồi, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh. Tuy vậy, nhiều cơ sở cho biết vẫn còn đó khó khăn về vốn liếng, nhất là đang thiếu những đơn hàng mới.
Được cho là phát triển có “chu kỳ”, ngành đóng tàu, xà lan sau giai đoạn khó khăn nay trên đà phục hồi, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh. Tuy vậy, nhiều cơ sở cho biết vẫn còn đó khó khăn về vốn liếng, nhất là đang thiếu những đơn hàng mới.
Công nhân tại Công ty TNHH 1 TV Sản xuất kinh doanh Bạch Đằng khẩn trương đóng xà lan mới. |
Ngoài huyện Mang Thít có “truyền thống” nghề này, những năm gần đây huyện Vũng Liêm cũng nổi lên nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu. Thống kê “bỏ túi” ven tuyến sông Cổ Chiên nối 2 địa phương này hiện có hơn chục cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động chủ yếu dựa vào gia công hoặc sửa chữa.
Đóng tàu phục hồi
Tại Công ty TNHH 1TV Sản xuất kinh doanh Bạch Đằng (ấp Thủy Thuận, xã An Phước- Mang Thít), sáng 21/2 có hơn 30 công nhân đang làm việc với sắt, thép ngổn ngang. Anh Phạm Minh Tá- Phó Giám đốc công ty cho biết, hiện công ty hoạt động khá tốt “chớ thời điểm này chừng 7-8 năm trước, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 công nhân làm việc, chủ yếu sửa chữa tàu”.
Thời điểm mà anh Tá nói vào khoảng những năm 2008- 2010, ngành đóng tàu, xà lan khu vực này như “thoái trào”, ít ai đặt hàng. “Trước đó, người ta đặt đóng tàu, xà lan rất nhiều để sang Campuchia chở vật liệu xây dựng, cát đá. Sau đó dư thừa tàu, không ai đóng nữa.
Rất nhiều cơ sở lâm nguy, không tiền trả vay, ngân hàng phải xiết nợ, xiết tàu nên đành đóng cửa. Còn nếu cơ sở nào hoạt động được thì cũng cầm chừng, chủ yếu sửa chữa tàu cũ, giá trị rất thấp”- anh Tá cho biết.
Nói về công ty mình, anh cho biết “cũng không ngoại lệ”. Từ hàng trăm công nhân “làm không hết việc” giảm chỉ còn vài chục người do họ đã từng “ăn chịu” với công ty.
“Thu gọn để tồn tại” là cách mà công ty chọn lựa để duy trì hoạt động cho đến ngày nay. “Vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở hoạt động khởi sắc trở lại như một chu kỳ cần đóng mới tàu, xà lan sau thời gian sử dụng đã xuống cấp”- anh Tá chứng minh, năm vừa rồi công ty anh nhận hợp đồng đóng mới được 4 chiếc tàu, xà lan trọng tải lên đến hàng ngàn tấn, giá trị vài chục tỷ đồng.
Có lẽ nhờ đó, mà những năm gần đây các cơ sở đóng tàu, xà lan đã “lan” sang Vũng Liêm. Theo ông Nguyễn Vũ Cường- Trưởng Phòng Kinh tế- hạ tầng, toàn huyện hiện có 4 cơ sở đóng tàu, nằm ven tuyến sông Cổ Chiên. Các cơ sở này có năng lực đóng tàu mới lên hàng chục tấn tải trọng.
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này thiếu đơn đặt hàng, hiện chủ yếu là gia công sửa chữa- bảo trì các phương tiện vận tải thủy để duy trì việc làm cho người lao động.
Liệu qua hết chu kỳ khó khăn?
Ngành đóng tàu, xà lan sau giai đoạn khó khăn, nay trên đà phục hồi. |
Theo kinh nghiệm của nhiều cơ sở, thì giai đoạn khó khăn hay phát triển đều như một chu kỳ. Trung bình mỗi chiếc tàu đóng mới thời gian hoạt động từ 10- 20 năm sẽ tiến hành sửa chữa. Như vậy, sau thời gian khó khăn, hiện phần lớn các cơ sở hoạt động trở lại.
Mang Thít hiện có 8 cơ sở đóng tàu, xà lan chủ yếu nằm ven sông Cổ Chiên. Xét những đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp địa phương, ông Trương Chí Thiện- Trưởng Phòng Kinh tế- hạ tầng huyện cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 tại địa phương đạt trên 2.082 tỷ đồng và đạt 179,51% kế hoạch năm.
Trong đó, giá trị ngành đóng, sửa chữa tàu thủy đạt 35,6 tỷ đồng (22 chiếc), đóng góp 1,7% vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện và tăng 7,59% so năm 2015.
“Do đường bộ hạn chế tải trọng nên phương tiện đường thủy hoạt động hiệu quả, theo đó ngành đóng tàu cũng làm ăn tốt hơn”- ông Trương Chí Thiện nhận định.
Tuy vậy, ông cho biết “vẫn chưa hết lo”, bởi khả năng tiếp cận ngân hàng, vốn hỗ trợ còn hạn chế. Còn theo anh Phạm Minh Tá thì hiện công ty vẫn “ăn theo thời chớ chưa dám tính đường dài”.
“Từ cuối năm 2016 đến nay, giá nguyên liệu như sắt thép tăng gấp đôi. Cơ sở làm gia công phải tính toán lượng nhân công, còn đơn vị đóng mới tàu cũng ngán ngại chi phí, nên xem ra hợp đồng tới đây cũng không dễ tìm”- anh Tá cho biết.
Được biết, hiện ngành công thương tỉnh mà cụ thể là Trung tâm Khuyến công đang nghiên cứu đề xuất những giải pháp để hỗ trợ hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này được phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tại Mang Thít, theo ông Trương Chí Thiện, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương giai đoạn 2016- 2020, địa phương đã xác định, ngành đóng tàu, xà lan là ngành thế mạnh thứ 3 sau ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, nông sản, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng, gốm.
Giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng mới và mở rộng quy mô sản xuất ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Riêng năm 2017 này, dự kiến đưa giá trị ngành này ước đạt 40,9 tỷ đồng, tăng 15% so năm ngoái.
Đóng tàu đòi hỏi vốn rất lớn, do đó gần như các cơ sở phải huy động từ chủ tàu, anh em, bạn bè và các đối tác cung cấp vật tư. Vì thế, bên cạnh mong mỏi tiếp cận nguồn vốn vay, nhiều cơ sở cũng “tự cứu mình” bằng cách chuyển hướng làm ăn để tồn tại.
Như tại Công ty TNHH 1TV Sản xuất kinh doanh Bạch Đằng đang giai đoạn nghiên cứu kỹ thuật, để tới đây sẽ chuyển sang đóng tàu biển, đánh bắt gần bờ cho nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin