Cơ sở nhỏ "ăn sâu" thị trường nông thôn

Cập nhật, 06:32, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Thị trường nông thôn hiện chiếm khoảng 65% người tiêu dùng trong tổng số 92 triệu dân cả nước. Xác định thị trường nông thôn là kênh tiêu thụ chính cho sản phẩm nên nhiều cơ sở nhỏ quyết tâm thâm nhập thị trường này bằng nhiều cách khác nhau.

 

Để sản phẩm được tin dùng, bên cạnh đảm bảo chất lượng, cải tiến mẫu mã, cần tăng cường quảng bá.
Để sản phẩm được tin dùng, bên cạnh đảm bảo chất lượng, cải tiến mẫu mã, cần tăng cường quảng bá.

Nhờ vậy, sản phẩm của cơ sở nhỏ có mặt rộng khắp ở nông thôn, lượng tiêu thụ ổn định nên có thể “sống khỏe” lại ăn sâu, bám rễ vững chắc, góp phần loại khỏi sân nhà hàng hóa nhập ngoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Ghé một tiệm tạp hóa ở nông thôn hỏi mua sản phẩm “me hạt mềm Hồng Phượng, có không? Người bán trả lời ngay: “Có chứ”.

Anh Âu Thanh Hiếu- chủ Cơ sở sản xuất thực phẩm Hồng Phượng (Long Hồ) chia sẻ: “Mình là cơ sở nhỏ, muốn vô mấy kênh phân phối lớn như siêu thị phải đáp ứng điều kiện, thủ tục này kia khó lắm!

Trong khi ở các chợ truyền thống, tạp hóa… thì thuận lợi hơn”. Anh Âu Thanh Hiếu tâm sự: Lúc mới “ra lò”, sản phẩm me hạt mềm còn khá lạ nên tìm đầu ra rất vất vả, không ít lần anh định bỏ nghề.

Tuy nhiên, nhờ niềm tin “tuy lạ miệng nhưng là thức uống ngon, rẻ, chừng nào còn quán giải khát thì sẽ có người uống” nên anh tiếp tục kiên trì. Anh đi “chào hàng” trực tiếp cho các điểm bán ở chợ, quán giải khát...

Dần dần, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Hiện cơ sở cung cấp ra thị trường 8- 9 tấn me/tháng. Trong đó, 80% là tiêu thụ ở thị trường nông thôn.

Cũng chọn thị trường nông thôn là “đầu ra” cho sản phẩm nên ngay từ khi mới thành lập, Cơ sở sản xuất nước chấm Vĩnh Phát 2 (TX Bình Minh) đã có những cách riêng, kiên trì đeo đuổi thị trường này.

Chị Phạm Thị Kim Phượng- đại diện cơ sở cho hay: Người tiêu dùng nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng, tiềm năng tiêu thụ lớn, nên hiểu họ cần gì, từ đó có phương pháp tiếp cận hiệu quả thì sẽ thành công.

Chưa quên những ngày đầu gian khó, chị Kim Phượng kể: Ban đầu, việc tìm nơi tiêu thụ là cả một quá trình đầy gian nan.

Ngoài len lỏi về các vùng nông thôn, “gõ cửa” chào bán cho các tiệm tạp hóa nhỏ trong tỉnh, cơ sở còn cho người đi rong ruổi các tỉnh- thành khác để giới thiệu sản phẩm.

Nhờ quyết tâm bám nghề nên thị trường đã ổn định dần. Giờ mỗi khi tới đợt lấy hàng là ghe đậu tấp nập dưới bến cả trăm chiếc.

Trước đây, cơ sở cung cấp ra thị trường 10.000 lít nước mắm/ngày. Hiện dù chịu cạnh tranh gay gắt của nước mắm công nghiệp, nhưng nước mắm Vĩnh Phát vẫn được nhiều người tin dùng.

Bên cạnh “chào” trực tiếp ở chợ, tiệm tạp hóa… ngày càng có nhiều cơ sở tham gia các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn- xem đây là cách hiệu quả để thâm nhập sâu rộng thị trường này.

Thông qua phiên chợ, các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, phát triển kênh phân phối hàng hóa, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất- nhà phân phối và đại lý bán lẻ...

Hiểu được điều đó nên Cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (Long Hồ) có mặt hầu hết các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, hàng hóa của cơ sở có chỗ đứng ở thị trường nông thôn, nhất là ở các chợ.

Anh Liêu Trung Hải- chủ cơ sở cho biết: Nông thôn là thị trường đầy tiềm năng, nhu cầu tiêu dùng của người dân rất cao. Do đó, ngoài giữ uy tín, chất lượng, tôi luôn tạo mối quan hệ tốt với cửa hàng, đại lý.

Thường xuyên tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn giúp các cơ sở nhỏ thâm nhập sâu rộng thị trường này.
Thường xuyên tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn giúp các cơ sở nhỏ thâm nhập sâu rộng thị trường này.

Anh Âu Thanh Hiếu cũng cho biết rất tích cực đem hàng “đi chợ”. Anh nói: “Dù đi hội chợ rất vất vả, không có lời nhưng phải đi để quảng bá cho nhiều bà con biết, tin tưởng sản phẩm mình hơn”.

Đấy cũng là lúc anh và nhân viên mời các tiểu thương tại địa phương mua sản phẩm của mình, tạo mạng lưới phân phối sản phẩm sau phiên chợ.

Theo anh Âu Thanh Hiếu, hàng Việt Nam do các doanh nghiệp, cơ sở trong nước sản xuất luôn gần gũi với bà con mình hơn.

Tuy nhiên, để sản phẩm được tin dùng, chất lượng phải luôn đảm bảo, thường xuyên đổi mẫu mã bao bì, tận dụng nguồn nông sản địa phương để có giá cả cạnh tranh…

Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ, tăng cường quảng bá sản phẩm (trong đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước), tích cực chăm sóc khách hàng…

Thiết nghĩ, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, cơ sở nhỏ tìm “đường nhỏ” để tồn tại và phát triển bằng cách “ăn sâu” vào thị trường nông thôn là một hướng đi khả thi, là mảnh đất màu mỡ mà lâu nay bị bỏ quên.

Từ việc chú trọng chất lượng, khẳng định chỗ đứng của mình ở thị trường nông thôn, hiện nhiều cơ sở đã hướng tới các kênh phân phối lớn như cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị…

Chẳng hạn, sản phẩm của các cơ sở nhỏ: bún Ba Khánh, tương Phước Khang… từ thị trường truyền thống nay đã chen chân vào các siêu thị lớn.

Anh Âu Thanh Hiếu vui vẻ: Nếu được vô siêu thị thì sản phẩm của mình được tin tưởng nhiều hơn. Sắp tới, cơ sở sẽ nỗ lực để phát triển sản phẩm ở thị trường miền Tây, vào siêu thị và đi xa hơn.

Cần xây dựng, quảng bá thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ này. Đồng thời người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn những sản phẩm, thương hiệu uy tín, chất lượng. Song, doanh nghiệp cần xây dựng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thì người tiêu dùng mới dễ nhận biết sản phẩm.

Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO NGUYÊN