Trong hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện đổi mới, sắp xếp DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long đã thực hiện cổ phần hóa xong và ra mắt Hội đồng quản trị hồi tháng 9/2016 vừa qua. |
Trong hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện đổi mới, sắp xếp DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) còn thấp và cần có giải pháp trong vấn đề này để bảo đảm lợi ích nhà nước, DN và xã hội...
Những hiệu quả tích cực
Theo ông Lê Mạnh Hà- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ đổi mới và phát triển DN, đến nay số DN sắp xếp đạt 96% kế hoạch, DN CPH đạt 96,3% kế hoạch của cả 5 năm.
Công tác CPH đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với khu vực và kinh tế thế giới.
Kết quả 5 năm qua, đã có 5.950 DN được sắp xếp, trong đó CPH là 4.460 DN. Nếu tính thêm số DNNN sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010 DN, trong đó CPH 4.508 DN.
Chia sẻ kinh nghiệm về CHP, ông Trần Quang Nghị- Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Dệt May, nhấn mạnh sự quyết liệt chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo DN trong tiến trình CPH.
Theo ông, việc CPH chậm là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn “làm ông chủ giả”, xài vốn nhà nước khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh, bởi chỉ cần bảo toàn vốn là được. Không cần phải đẩy nhanh CPH để “chiến đấu” với thương trường...
Tại Vĩnh Long, hiện nay, 2 công ty đã thực hiện CPH xong là: Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long với tổng vốn điều lệ trên 322,8 tỷ đồng.
Theo BCĐ đổi mới và phát triển DN, giai đoạn 2016- 2020, theo kế hoạch thực hiện CPH và thoái vốn nhà nước tại DN trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại việc thoái vốn của Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long (đã đầu tư vào Công ty CP Du lịch Sài Gòn Vĩnh Long).
Theo báo cáo của Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, tổng vốn góp của các cổ đông đã góp đến cuối tháng 5/2016 là 75 tỷ đồng, trong đó công ty đóng góp 52,6 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành tổng vốn đầu tư sẽ là 150 tỷ đồng (trong đó công ty sẽ góp khoảng 100 tỷ đồng).
Do hiện nay việc xây dựng của Công ty CP Du lịch Sài Gòn Vĩnh Long chưa hoàn tất, vì vậy việc thoái vốn sẽ thực hiện sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo đó, hướng phấn đấu của công ty là sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện của các năm 2011- 2015 làm cơ sở để phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch hàng năm, bình quân tăng chỉ tiêu nộp ngân sách từ 5- 7%. Công ty định hướng và phát triển loại hình xổ số truyền thống và hiện đã đưa ra phương án kinh doanh loại hình xổ số tự chọn để người tham gia dự thưởng thêm lựa chọn.
Cổ phần hóa giúp doanh nghiệp nhà nước chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ
Tuy vậy, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tiến triển còn chậm. Việc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Bên cạnh biểu dương kết quả đạt được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có tính cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy các DN hoạt động hiệu quả. Tiến hành CPH quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi nhưng hiệu quả hoạt động của DNNN phải cao hơn, vốn nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn…
Trong giai đoạn 2016- 2020, cần phải thực hiện các nhóm nhiệm vụ cơ bản như: xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào cần rút vốn theo tỷ lệ đặc biệt; lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình CPH…
“Tài sản và vốn ở DNNN của chúng ta là hơn 5 triệu tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ công còn cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư. Chúng ta cần vốn để làm nhiều việc khác, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng, giảm nợ công xuống thông qua huy động vốn xã hội”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
|
Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001, nếu cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến tháng 10/2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.
Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%), nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài Nhà nước 11,8%, FDI 17,9%). |
- Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin