Chiều 8/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có nhiều nội dung nhằm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này phát triển.
Chiều 8/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có nhiều nội dung nhằm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này phát triển.
Luật sẽ hỗ trợ DNNVV những gì?
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dự thảo luật thu hẹp các đối tượng hỗ trợ nhằm có trọng tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên cho các doanh nghiệp như doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và khả năng nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ”.
Về các nội dung hỗ trợ DNNVV, ông Dũng cho biết, Chương II của dự thảo luật quy định cụ thể gồm hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Ông Dũng nói: “Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập, các nội dung hỗ trợ còn lại tại chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những hỗ trợ này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên”.
Theo dự thảo luật, chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV mang tính chọn lọc, chuyên biệt nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, bao gồm: chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành.
Dự thảo luật cũng dành một chương làm rõ nội dung về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ông Dũng cho hay, dự thảo luật quy định về ngân sách hỗ trợ và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cơ chế điều phối công tác hỗ trợ DNNVV, cơ chế công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV.
Những góp ý của Quốc hội
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ủy ban cho rằng luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về hỗ trợ DNNVV. Ngay trong luật này cũng sửa đổi, bổ sung 1 điều khoản của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Luật Đầu tư đã có ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Luật này hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp, vì vậy đề nghị đánh giá có phải là hỗ trợ 2 lần hay không. Ủy ban KInh tế đề nghị làm rõ hơn việc xử lý xung đột pháp luật đã nêu trên.
Thêm nữa, ông Thanh nói: “Dự thảo luật chưa có nội dung khắc phục những hạn chế do việc tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV”.
Về đối tượng áp dụng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối tượng hỗ trợ của luật là rất lớn (khoảng 520.000 DNNVV) nếu quy định hỗ trợ cả hộ kinh doanh thì không khả thi. Ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với chương trình hỗ trợ trọng tâm, đề nghị rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Ông Thanh cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.
Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại, các quỹ cần có chính sách phù hợp để các DNNVV tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên một số nội dung giúp DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này (ví dụ quy định về mức cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, khuyến khích ngân hàng thương mại thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV, lãi suất cho vay ưu đãi với DNNVV...) mà cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan...
Theo cơ quan soạn thảo luật, các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... không phải là trợ cấp và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta. Quy định cho DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chung, quy định này cũng được một số nước áp dụng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể việc giảm thuế suất cho DNNVV và các biện pháp hỗ trợ về thuế khác để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hiện tại. Đề nghị rà soát, nghiên cứu để đưa ra phương án tối ưu hỗ trợ về thuế cho DNNVV và báo cáo Quốc hội xem xét.
Về chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhu cầu cần được hỗ trợ của DNNVV là rất lớn, nguồn lực nhà nước có hạn, nên lựa chọn hỗ trợ có trọng điểm đối với một số DNVVV theo hướng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Đồng thời để bảo đảm tính khả thi thì dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ hơn về định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước đối với những lĩnh vực nào, về cân đối nguồn lực của Nhà nước bố trí phù hợp cho từng chương trình (hiện dự thảo quy định chung giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung từng chương trình, phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ).
Thêm nữa, cần quy định rõ hơn về điều kiện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ, cơ chế thực hiện hỗ trợ để hạn chế thủ tục hành chính và việc xin cho. Riêng đối với chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, đề nghị cần bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước.
Vẫn theo ông Thanh, về nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, dự thảo luật mới chỉ quy định chung về vấn đề hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Như vậy việc hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào tình hình cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, chưa tạo ra tính định hướng, ổn định trong trung và dài hạn, việc huy động nguồn vốn xã hội cũng chỉ mang khuyến khích nên tính khả thi chưa rõ ràng. “Hỗ trợ DNNVV là một vấn đề lớn, cấp thiết và lâu dài, thiếu nguồn lực khó có thể thực hiện được. Đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo luật về nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách để có cơ sở bổ sung một dòng ngân sách hỗ trợ cho DNNVV. Tuy nhiên, cần rà soát, tránh mâu thuẫn với Luật Ngân sách nhà nước”, ông nói.
Ông Thanh cũng cho biết, vẫn có một số băn khoăn song đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV.
Theo TBKTSG Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin