Được thành lập từ năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) đã và đang đưa thương hiệu trái chôm chôm xứ cù lao đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Được thành lập từ năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) đã và đang đưa thương hiệu trái chôm chôm xứ cù lao đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn thương hiệu chôm chôm Bình Hòa Phước bay cao, bay xa hơn nữa…
Để đi xa, trái chôm chôm Vĩnh Long cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh minh họa: VINH HIỂN |
Lấy chất lượng làm đầu
Năm 2009, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước được thành lập với 58 thành viên và gần 25ha vườn. Từ năm 2011, HTX được tỉnh hỗ trợ tập huấn và Viện Cây ăn quả Miền Nam tư vấn để xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện nay, HTX có 31 thành viên được cấp chứng nhận GlobalGAP/17ha.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch HTX, chôm chôm của HTX đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh sản phẩm tiêu biểu toàn quốc, từ đó làm cơ sở để chôm chôm Bình Hòa Phước tham gia các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại.
Hiện nay, HTX bước đầu hình thành việc kinh doanh phân bón, chôm chôm tươi đóng hộp xuất khẩu. Trong năm 2016, HTX bắt đầu sản xuất kinh doanh sản phẩm chế biến từ chôm chôm và bổ sung đăng ký sản xuất kinh doanh mứt chôm chôm.
Cũng theo ông Nhân, hiện nay, các xã viên đều sản xuất đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, không có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Cũng chính vì lẽ đó, hiện nay sản phẩm chôm chôm Bình Hòa Phước đã có chỗ đứng riêng trên thị trường trong nước. Riêng thị trường nước ngoài cũng đang bắt đầu tiêu thụ mạnh.
“Từ tháng 8/2016, HTX được Công ty Rau quả thiên nhiên đầu tư chứng nhận GlobalGAP với 1,5ha. Đây là cơ hội để HTX đẩy mạnh việc sản xuất chôm chôm sạch theo quy trình.
Ước sản lượng được công ty bao tiêu khoảng 30 tấn chôm chôm thành phẩm trong mùa vụ 2016- 2017”- ông Nhân cho biết.
Xã viên Phạm Văn Đoàn là người đầu tiên sáng chế ra kỹ thuật đậy tấm mũ (ny lông) để xử lý nghịch mùa cho trái chôm chôm cũng rất háo hức với thương hiệu chôm chôm Bình Hòa Phước.
Anh Đoàn cho biết, lúc trước chưa có HTX, việc mua bán thất thường và dễ bị thương lái ép. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này ít xảy ra.
Đồng thời trái chôm chôm cũng được xuất khẩu đi nước ngoài. “Nghe mấy anh em trong ban quản trị HTX báo cáo là chôm chôm đã đi ra thị trường Châu Âu, Mỹ mà mát dạ, bởi ít ra, Bình Hòa Phước cũng có một loại nông sản không chỉ nổi danh trong nước mà còn trên thế giới”.
Xử lý trái chôm chôm nghịch mùa cũng là một “đặc sản” của HTX bởi cho giá thành cao, ít “đụng hàng, dội chợ”. Anh Đoàn cho biết, nếu đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, mỗi hecta chôm chôm có thể cho lợi nhuận khoảng 300- 500 triệu đồng…
Để chôm chôm Bình Hòa Phước tiến xa hơn...
Trong buổi làm việc của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu về tình hình sản xuất, tiêu thụ chôm chôm của HTX, nhiều vấn đề khó khăn đã được xã viên, thành viên hội đồng quản trị
nêu lên.
Anh Đoàn cho biết, hiện nay, vấn đề lớn nhất của xã viên, nông dân nói chung là phân bón giả, kém chất lượng.
Theo anh Đoàn, một cây chôm chôm nếu không bón đúng liều lượng kỹ thuật rất dễ ảnh hưởng đến năng suất cây, đó là chưa kể đến ảnh hưởng đất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất.
Cùng ý kiến với anh Đoàn, xã viên Võ Thanh Trang kiến nghị cần quản lý chặt hơn tình trạng phân giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ về đầu ra, kho chứa tập trung và đóng gói để quy trình sản xuất kép kín hơn.
Trong khi đó, ông Nhân cho rằng, thời gian tới, HTX cần nguồn vốn để đầu tư về phân bón và mũ đậy cho xã viên.
Bởi nếu có vốn, việc ký hợp đồng mua các sản phẩm này không chỉ giúp HTX tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo chất lượng lâu dài, giúp xã viên an tâm sản xuất hơn.
Đồng thời HTX cũng cần có tổ chuyên môn để kiểm soát chất lượng chôm chôm đủ điều kiện xuất khẩu thị trường Châu Âu, Mỹ.
Đánh giá về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu cho rằng HTX cần có giải pháp để phát triển lâu dài vì chôm chôm là sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bên cạnh đó, HTX cần phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết để sản xuất liên tục với quy mô lớn hơn. Ông Trương Văn Sáu cũng đã đề nghị các sở, ban ngành liên quan quan tâm nhiều hơn đến HTX, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, kiến nghị.
Đồng thời cũng sẽ có hướng hỗ trợ kinh phí từ các nguồn, các nguồn vốn vay ưu đãi để HTX sản xuất ổn định, lâu dài…
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, đến năm 2020, HTX sẽ cố gắng tăng diện tích GlobalGAP từ 17ha lên 51ha và có sản phẩm chôm chôm tươi sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học.
Đồng thời: “Đánh giá tình hình thị trường trong và ngoài nước, bắt buộc người trồng chôm chôm phải thực hiện quy trình sản xuất GlobalGAP để tăng tính cạnh tranh, hạn chế thấp nhất rủi ro do thị trường…”
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin