Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình xuất khẩu gạo tháng 11 vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Trong khi đó thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình xuất khẩu gạo tháng 11 vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Trong khi đó thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN) |
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 353.000 tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng qua ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng của năm 2016 đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính, tiềm năng của Việt Nam lại có sự sụt giảm đáng kể.
Đơn cử, Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch. Mười tháng của năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
So với cùng kỳ, các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam có giá trị giảm mạnh như Philippines (giảm 61,6%), Malaysia (giảm 51,5%), Singapore (giảm 34,1%), Bờ Biển Ngà (giảm 29,1%), Hoa Kỳ (giảm 28,3%) và Hong Kong (giảm 7,7%)…
Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo trong nước cũng có nhiều biến động trái chiều. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm tại An Giang lúa IR giảm 300 đồng/kg, với mức giảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM ổn định ở mức 4.700 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh tăng nhẹ, chủng loại OM 5451 từ 5.600 đồng/kg lên 5.700 đồng/kg (lúa khô); chủng loại OM 4900 tăng từ 5.700 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg (lúa khô).
Tại Kiên Giang, giá lúa tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, với lúa tẻ thường tăng mạnh 800 đồng/kg, từ 4.400 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg; lúa hạt dài tăng 400 đồng/kg, từ 5.500 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa khô IR50404 không đổi ở mức 5.000 đồng/kg.
Theo đại diện ngành Trồng trọt, trong tháng, ngành trồng trọt tập trung vào công tác hoàn tất thu hoạch lúa mùa và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các tỉnh phía Bắc đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để gieo trồng vụ Đông Xuân trên cả nước theo đúng kế hoạch.
Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa Mùa năm nay chỉ đạt 1,153 triệu ha so với 1,167 triệu ha vụ Mùa 2015, giảm 14.000 ha (tương đương 1,2 %) và giảm đều ở các tỉnh.
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do hạn hán, thiếu nước ở đầu vụ khiến nhiều diện tích ở các tỉnh không cấy được (Cao Bằng, Thanh Hóa) và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ yếu lấy làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi và các công trình cộng cộng khác (Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...) cũng làm giảm diện tích gieo cấy…
Bên cạnh đó, do thời tiết diễn biến bất thường (nắng nóng đầu vụ, mưa bão gây ngập úng) nên năng suất lúa Mùa toàn vùng ước đạt 49,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ Mùa năm trước, sản lượng ước đạt 5,78 triệu tấn, giảm khoảng 70.000 tấn (giảm 1,2%) so cùng kỳ năm trước.
Tại các tỉnh phía Nam, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên diện tích lúa Mùa ở các địa phương phía Nam chỉ đạt 686.000ha, giảm 71.000ha, giảm chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do nhiễm mặn và chuyển đổi mùa vụ./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin