Nhà ở: Nơi cần không có, nơi có không cần

01:11, 16/11/2016

Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân có chỗ ở ổn định, yên tâm lập nghiệp.

Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân có chỗ ở ổn định, yên tâm lập nghiệp.

Song, thời gian qua vẫn còn tình trạng hộ dân không sử dụng nhà ở, sang nhượng trái phép. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn bởi theo nhận định của UBND tỉnh nhu cầu về nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2021 là 2.050 căn dành cho người có thu nhập thấp.

Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đã làm thay đổi cuộc sống hộ dân nghèo.
Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đã làm thay đổi cuộc sống hộ dân nghèo.

Người có không cần

Với mục tiêu phát triển điều kiện sống an toàn, ổn định hướng tới phát triển kinh tế bền vững cho người dân, chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư ở vùng thường xuyên ngập lũ đã được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Chương trình đã phát huy tác dụng rõ rệt, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo bị lũ lụt, sạt lở đe dọa có thể an cư nhất là khi mùa lũ về.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã có 8.268 hộ/8.653 số hộ đã vào ở trong các cụm, tuyến dân cư, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 716 hộ thuộc chương trình.

Tuy nhiên, thời gian qua, chương trình vẫn còn một số tồn tại phát sinh. Cụ thể, có 151 hộ đã nhận nền nhà, nhưng chưa xây dựng nhà do đa số các hộ này có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, thu nhập không ổn định nên chưa xây dựng nhà để ở.

Bên cạnh đó, còn có 13 hộ xây nhà ở, nhưng đã rời khỏi cụm- tuyến dân cư (không sử dụng nhà ở) trên 3 năm mà địa phương không liên lạc được và 4 hộ xin trả lại lô nền và nhà ở do các hộ này đã tạo lập được chỗ ở mới.

Lý giải cho việc cất nhà nhưng không ở trong khu- cụm- tuyến dân cư vượt lũ, cô A.L. (Phường 1- TP Vĩnh Long) có nhà thuộc diện giải tỏa để làm bờ kè cho hay: “Tôi được cấp nền nhà đã xây xong nhưng trên khu vực đó... buồn. Tôi xây rồi cho thuê chứ không ở, chừng nào giải tỏa hẳn thì đi”.

Đáng chú ý là còn tình trạng hộ dân sang nhượng lô nền, nhà ở trái phép. Khi phát hiện việc sang nhượng nền nhà và nhà ở trái phép địa phương đã ra quyết định thu hồi nền nhà ở, người mua nhà trái phép thì bị mất tiền, người bán nhà trái phép thì bị thu hồi nền nhà ở, địa phương bố trí cho đối tượng thuộc chương trình có nhu cầu về nhà ở trong cụm- tuyến dân cư vùng ngập lũ.

Ông Trần Văn Tám- Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước (TX Bình Minh) cho biết: Hiện khu- cụm- tuyến dân cư ở phường đã có hơn 90% dân vào ở với gần 500 hộ.

Đa số là các hộ từ các vùng ngập lụt chuyển đến ở và các hộ được di dời đều rất phấn khởi. Tuy nhiên, dù quy định đến 10 năm mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thời gian qua cũng có tình trạng người dân mua bán “lòn tay” lén với nhau.

Cũng xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Trung Dân- Phó Chủ tịch UBND Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho hay: Một số ít trường hợp người dân bán trái phép này rất khó phát hiện, gây không ít khó khăn cho địa phương.

Người cần không có

Nhu cầu về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp rất lớn.
Nhu cầu về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp rất lớn.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, hiện TP Vĩnh Long có trên 30 công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Trong đó, tập trung nhiều Phường 5, xã Tân Hòa, xã Tân Hội. Đa số các công trình là nhà thờ, nhà ở, có nhà xây dựng từ năm 1815, 1855, 1887,…

Phần lớn các nhà này có dấu hiệu mối mọt, mái dột, cột xiêu... Trong đó, cũng phải kể đến các dấu hiệu xuống cấp từ các khu chung cư cũ, lâu đời.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương hướng xử lý đối với những trường hợp hộ dân đã xây dựng nhà ở nhưng đã rời khỏi cụm- tuyến dân cư trên 3 năm và không liên lạc được với các hộ dân này; đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2016- 2020.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tại khu vực đô thị có 1 dự án chung cư cũ, nguy hiểm cần cải tạo lại đến năm 2021 đó là khu tập thể Công ty CP Du lịch Cửu Long có 38 hộ sinh sống với diện tích 944,98m2. 

Tính đến năm 2021, nhu cầu về nhà ở xã hội của tỉnh là 2.050 căn dành cho người có thu nhập thấp, tương ứng 123.000m² sàn và 1.800 căn hộ dành cho công nhân các khu công nghiệp, tương ứng 108.000m² sàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở xã hội độc lập và nhà ở xã hội trên phần đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị), trong đó có 5 dự án dành cho người thu nhập thấp và 3 dự án dành cho công nhân các khu công nghiệp.

Qua đó, có thể thấy, Vĩnh Long đang thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là nhà cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Việc đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở phục vụ người thu nhập thấp nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền.

Xã hội hóa nhà ở là tất yếu trong sự phát triển chung, đồng thời huy động được mọi nguồn lực, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho biết: Hiện địa phương đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề người dân sang nhượng trái phép nhà ở khu- cụm- tuyến dân cư và chưa có hướng giải quyết cụ thể. Những hộ này sang nhượng bằng giấy tay và lén lút, có trường hợp không cất nhà để ở mà bán để có tiền đi nơi khác. Địa phương cũng đang rà soát lại danh sách các hộ vi phạm để báo cáo tìm cách xử lý.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh