Kỳ 2: Kiệt quệ vì phân bón giả

05:10, 29/10/2016

"Hết mất mùa, mất giá giờ lại thêm vụ phân bón (PB) giả hoành hành, chi phí đội lên gấp mấy lần, kéo theo năng suất, chất lượng nông sản giảm, thì khác nào đang "giết" nông dân (ND). 

“Hết mất mùa, mất giá giờ lại thêm vụ phân bón (PB) giả hoành hành, chi phí đội lên gấp mấy lần, kéo theo năng suất, chất lượng nông sản giảm, thì khác nào đang “giết” nông dân (ND).

Đó là chưa kể những thiệt hại các vụ mùa sau, đến môi trường, con người. Nhiều ND không khỏi bức xúc, bất an trước vấn nạn PB giả, kém chất lượng hiện nay.

Thời gian qua, cử tri liên tục phản ánh và bức xúc vì phân bón giả tràn lan. Ảnh minh họa
Thời gian qua, cử tri liên tục phản ánh và bức xúc vì phân bón giả tràn lan. Ảnh minh họa

Trăm khổ đổ đầu nông dân

“Với diện tích canh tác nông nghiệp ước đạt 13 triệu hecta, nếu tính trung bình PB giả gây thiệt hại mỗi hecta là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp Việt Nam thiệt hại tới 2,6 tỷ USD.

Đó là mới tính đến việc năng suất cây trồng bị mất đi mà chưa tính đến thiệt hại các vụ sau, cây có thể chết hàng loạt.

Không chỉ vậy, PB giả có thể chứa kim loại nặng, chất kích thích độc hại, chất cấm sẽ đi vào đất gây thiệt hại nghiêm trọng, không thể tính bằng tiền”- đó là nhận định của PGS.TS Mai Thành Phụng- chuyên gia nông nghiệp, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực khu vực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

“Nhất nước, nhì phân…” cho thấy, từ lâu PB luôn là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của ND.

Song hiện nay, PB giả hoành hành đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả, tác hại khôn lường mà người gánh chịu tất cả chính là ND: mất mùa, đội chi phí, chất lượng giảm khiến nông sản mất giá, dẫn đến trắng tay, nợ nần chất chồng. Dù những thiệt hại rành rành trước mắt nhưng ND cũng không biết kêu ai để “bắt đền” mà chỉ có thể gánh một mình.

Làm ruộng trên 30 năm với 3ha trồng khoai lang và lúa, chú Lê Văn Hữu- Trưởng ấp Hưng Lợi (xã Tân Hưng- Bình Tân) bức xúc nói: ND sử dụng PB giả, kém chất lượng khổ lắm, thiệt hại rất lớn, năng suất sẽ giảm từ 30%.

Thông thường vụ Đông Xuân có năng suất khoảng 8- 9 tấn/ha, vụ Hè Thu và Thu Đông 5,5- 6 tấn/ha, nhưng khi bón nhầm PB giả thì năng suất giảm 1-2 tấn/ha.

Trung bình, một công lúa bón từ 50- 80kg phân, tốn 500.000- 800.000đ, song nếu bón nhầm PB giả thì tốn tiền gấp 2- 3 lần. Cuối vụ, trừ chi phí ND cầm chắc lỗ.

Chú Hữu giải thích thêm: Trong đợt phân đầu tiên, nếu bón phải PB giả sẽ làm cây lúa chậm phát triển, đẻ nhánh kém.

Còn trong đợt 2 (từ 18- 22 ngày), lúa sẽ không phát triển vì đây là lúc phải bón cho cây nuôi chồi, nhưng nếu có phát hiện thì đến 5-7 ngày sau mới biết thì đã muộn; còn mua phân rải tiếp thì trễ, khiến năng suất thấp, tốn thêm tiền.

Sang đợt 3 (cây lúa khoảng 35 ngày tuổi), phải bón phân Kali để nuôi đồng, dưỡng cây nhưng nếu bón nhầm Kali giả thì làm cây lẫn rễ yếu, dễ đổ ngã, sâu bệnh nhiều, năng suất sẽ giảm hơn nữa.

Hoặc đối với khoai lang, ở giai đoạn nuôi củ mà bón phải phân Kali giả, khoai sẽ không tạo củ mà chỉ chạy dây, ảnh hưởng nặng đến năng suất, ND chỉ có “chịu chết”.

Chú Hữu dẫn chứng: “Cách đây 7-8 năm, vùng này cũng từng xảy ra trường hợp ND sử dụng phải PB giả “chết đứng” vì vừa thất mùa, trắng tay lại thêm nợ nần”.

Cùng nỗi lo, chú Nguyễn Văn Rô (xã Nhị Long, huyện Càng Long- Trà Vinh) cũng bức xúc: “Bón phải PB giả, kém chất lượng là khổ dữ lắm.

Không biết trong phân đó có hàm lượng như thế nào, thiếu chất gì, thừa chất gì, nếu bón tiếp mà dư chất quá thì cây cũng không phát triển, năng suất giảm có khi chết cây, ảnh hưởng đến những vụ sau”.

“Đây là tội ác, giết nông dân”

Thị trường phân bón đang cần siết chặt về mặt quản lý, để chỉ tồn tại những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chân chính.Ảnh minh họa
Thị trường phân bón đang cần siết chặt về mặt quản lý, để chỉ tồn tại những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chân chính.Ảnh minh họa

TS. Vũ Tiến Khang- Trưởng Bộ môn Kỹ thuật canh tác- Viện Lúa ĐBSCL khẳng định: PB giả, kém chất lượng gây tác hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là các tỉnh ở ĐBSCL.

Đối với cây trồng có giá trị cao, ND bón phân để thúc cây ra bông, đẻ chồi, có đủ dinh dưỡng phát triển tốt nhất, song nếu bón nhầm PB giả sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, ND phải chịu thiệt hại kép về năng suất, giá cả.

Khi đó, ND không thể cung cấp cho doanh nghiệp sản phẩm chất lượng, khiến lòng tin giữa đôi bên không còn.

Chú Lê Văn Hữu (xã Tân Hưng- Bình Tân)

ND chỉ biết đặt lòng tin vào các cở sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở địa phương. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu, PB giả lại được làm rất tinh vi nên ND khó thể phân biệt được thật, giả. Đến khi bón cây, thấy cây không phát triển thì lúc đó đã ngậm đắng rồi. Giờ chỉ biết nhờ vào ngành chức năng can thiệp, mạnh tay xử lý để bảo vệ quyền lợi cho ND.

Đối với những ND canh tác diện tích đất lớn thì họ có thể mất trắng, phải vay vốn, nợ nần.

Hệ lụy sau đó, ND không còn tin vào những khuyến cáo khoa học, mất lòng tin ở doanh nghiệp chân chính, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Đó là chưa kể đến PB giả, kém chất lượng làm cho đất bị suy thoái, mất dinh dưỡng, các loại kim loại màu làm đất nhiễm độc, ảnh hưởng đất về lâu dài cho các mùa vụ tiếp theo, đồng thời còn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.

Trong khi đó, PB giả khó mà phân biệt bằng mắt thường, người có chuyên môn còn không nhận biết được.

Chủ yếu ND dựa vào kinh nghiệm xem phân có tan trong nước hay không, nhưng tan cũng chưa chắc là thật.

Đến khi ND thất thu, kiệt quệ rồi, không biết kêu ai, không biết xử lý được hay không.

Lo lắng, bất an là tâm trạng chung của rất nhiều ND trước vấn nạn PB giả ngày càng hoành hành như hiện nay.

Chú Phan Văn Hùng- Phó trưởng ấp Hưng Phú (xã Tân Hưng- Bình Tân) thì nói: “Hồi xưa đâu có nhiều loại phân như bây giờ. Giờ ra cửa hàng mua phân là thấy rối, nhiều nơi sản xuất quá.

5- 10 năm trước, năng suất chừng 700- 800 kg/công nhưng vẫn có lời, còn bây giờ năng suất một tấn/công mà chi phí thì đội gấp mấy lần tiền phân, thuốc thì lỗ là chắc”.

Chú Lê Văn Hữu thì than: “Nghe PB giả, kém chất lượng, tui rầu lắm. Bởi làm sao mà biết được cái nào thật- giả, thấy lúa không tốt thì bón thêm, bón hoài, tiền càng nhiều mà lúa thì năng suất không có bao nhiêu. Cuối mùa trừ chi phí là khóc ròng. PB giả đang “giết” ND. Đây chính là tội ác”.

PB đang là khoản chi phí lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Trước ma trận PB giả, kém chất lượng, ND vẫn loay hoay tình cách tự cứu chính mình.

Mặc dù, có kiểm tra, có xử lý song thực trạng này đang càng ngày diễn ra ở mức báo động, dù những con số xử lý vi phạm này “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Kỳ cuối: Tội ác cần mạnh tay loại trừ

TS. Vũ Tiến Khang- Trưởng Bộ môn Kỹ thuật canh tác- Viện Lúa ĐBSCL

Hiện nay, còn có các loại PB hữu cơ kém chất lượng núp bóng hội thảo, quảng cáo quá sự thật để lừa gạt ND. Phân hữu cơ có nhiều sản phẩm, nhiều công ty làm không chân chính cho xác động vật, xác mía, không xử lý tốt, chưa xử lý ủ mục 2 lần. Nếu bón cho cây, phân sẽ tiếp tục phân hủy, dẫn đến mang mầm bệnh cho cây, ảnh hưởng sức khỏe con người, năng suất cây trồng.

Bài, ảnh: THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh