Hoạt động Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp (NH- DN) được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn trong mối quan hệ giữa các NH và DN, để cùng chia sẻ, đồng hành cùng nhau góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Hoạt động Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp (NH- DN) được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn trong mối quan hệ giữa các NH và DN, để cùng chia sẻ, đồng hành cùng nhau góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng nỗ lực tìm đầu ra cho đồng vốn đang dồi dào hiện nay, trong khi DN còn nhiều trở ngại tiếp cận vốn vay NH.
Hoạt động kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được kỳ vọng đưa dòng vốn tín dụng vào phục vụ sản xuất kinh doanh. |
Nhiều hoạt động tín dụng gỡ khó cho DN
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Vĩnh Long, 9 tháng đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn có sự tăng trưởng cao so năm 2015, đã giúp các DN đầu tư mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh.
Các NH đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đẩy mạnh mở rộng tín dụng như tập trung cho vay các đối tượng ưu tiên, lãi suất thấp,… Lãi suất đầu vào một số NH lớn đã điều chỉnh giảm để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể đến nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 4,2- 5,5%/năm kỳ hạn 1- 6 tháng (các NHTM nhà nước 4,2- 4,8%/năm); kỳ hạn từ 6- 12 tháng từ 5,3- 7%/năm.
Lãi suất cho vay ổn định so với cuối năm 2015, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất phổ biến từ 6- 7%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên cũng ổn định: cho vay ngắn hạn 7- 10%/năm, trung và dài hạn 9- 11%/năm (khối NHTM CP nhà nước) còn khối NHTMCP ngoài nhà nước cao hơn 1% ở các mức tương ứng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh Vĩnh Long, các NHTM trên địa bàn tập trung đầu tư cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng chính sách xã hội, các nhu cầu phục vụ đời sống…
Trong 8 tháng đầu năm, các NH trên địa bàn đã cho vay với doanh số 22.189 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2015 tăng 5.893 tỷ (+36,2%), trong đó cho vay DN chiếm hơn 35% tổng số cho vay. Dư nợ cho vay đến 23/9/2016 đạt 17.375 tỷ, tăng 860 tỷ đồng so với đầu năm.
Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, các NH tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng khách hàng, DN. Cụ thể như cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi với 35.529 lượt khách hàng, doanh số cho vay đạt 8.284 tỷ.
Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, NH đã hỗ trợ cá nhân vay mua nhà ở với 122 khách hàng với số tiền 77,2 tỷ và 1 doanh nghiệp 15 tỷ đồng. Ngoài ra, NH Nhà nước còn tham mưu và phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho một số DN.
Đáng ghi nhận, tại hội nghị kết nối NH- DN ngày 6/10/2016 vừa qua, có 21 DN tham gia ký kết hợp đồng dịch vụ NH với tổng số tiền hơn 691 tỷ đồng.
Trong đó cho vay bổ sung vốn đối với 15 DN với 121,2 tỷ, ký tăng hạn mức tín dụng đối với 3 DN là 570 tỷ đồng, ký kết cung ứng dịch vụ khác với 3 DN. Đây là lần thứ 2 Vĩnh Long tổ chức hội nghị kết nối NH- DN, với mục tiêu đẩy mạnh cho vay đối với các DN phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các DN khác tiếp cận với chính sách của nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Cần hành động thiết thực
Cũng tại hội nghị với sự tham gia của các NH và hơn 80 DN, hợp tác xã trên địa bàn tham dự, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- đã nhấn mạnh việc cần có sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành giữa NH và DN để góp phần tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.
Bởi theo nhận định của ông Lê Quang Trung, số liệu những tháng đầu năm cho thấy doanh số cho vay và dư nợ cho vay đối với DN chỉ chiếm hơn 35%/ tổng số vốn cho vay, dư nợ là còn thấp. Trong khi các tổ chức tín dụng được cho là đang có nguồn vốn dồi dào, dư thừa, nhưng nhiều phản ánh của DN vẫn “than” lãi suất còn cao, một số đối tượng như các hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn…
Chính vì “chưa gặp nhau” như thế, nên không chỉ làm khó DN, mà còn hạn chế phát triển kinh tế của tỉnh.
Một số DN cho rằng lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện không có nhiều thay đổi so với vài năm trước.
Chẳng hạn, lãi suất cho vay đầu tư trang thiết bị máy móc ở mức 10- 11% như hiện nay là rất cao, khó khuyến khích DN phát triển.
Có DN đề nghị cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất khoản cho vay cũ, lãi suất cho vay hiện tại, cũng như tăng hạn mức tín dụng cho DN. Trong khi các HTX mong muốn được NH “hà hơi” tiếp sức và đề nghị NH thực hiện Nghị định 55 về cho vay không cần bảo đảm bằng tài sản…
Theo NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, thời gian tới các NHTM tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (hạ lãi suất cho vay cũ, cơ cấu lại nợ, xem xét cho vay mới…).
Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu nhằm giảm nợ xấu hiện tại và hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Các NH cũng sẽ chủ động kết nối, đối thoại với DN để đưa dòng vốn tín dụng vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Quang Trung cũng cho rằng, Vĩnh Long hiện có 99% DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, chính là đối tượng có nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh rất lớn. Do vậy, các hoạt động kết nối, đối thoại giữa NH và DN cần thiết thực, hiệu quả hơn, thể hiện sự đồng hành và chia sẻ nhiều hơn.
Mức hấp thụ vốn của DN còn thấp |
Theo đánh giá của NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, tăng trưởng dư nợ của NH không cao, mức hấp thụ vốn của DN còn thấp. Do tình hình kinh tế trong và ngoài nước, các lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh (thủy sản, gốm, xuất khẩu gạo…) khó khăn do thị trường bị thu hẹp, sức mua của nền kinh tế còn thấp, một số DN lĩnh vực lương thực, chế biến xuất khẩu thủy sản phải ngừng hoạt động. Bên cạnh, NH Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng nhận định Vĩnh Long thiếu các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, nên việc triển khai cho vay theo chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn do liên kết giữa DN, hộ dân và hợp tác xã hạn chế. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin